Ông Biden cho biết những biện pháp mà chính quyền Mỹ đưa ra mang thông điệp “người Mỹ có thể tin rằng hệ thống ngân hàng đang an toàn”, đồng thời cam kết sẽ có các quy định chặt chẽ hơn sau khi vụ phá sản của SVB. Tổng thống Mỹ khẳng định: "Tiền gửi của các bạn vẫn sẽ còn đó khi các bạn cần đến chúng”.
Những nỗ lực trấn an thị trường và người gửi tiền của Tổng thống Biden diễn sau khi các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các ngân hàng bằng cách bổ sung thêm các nguồn vốn đã không thể đẩy lùi những lo ngại của giới đầu tư về khả năng xảy ra phản ứng dây chuyền với các ngân hàng khác trên toàn thế giới. Nhà Trắng cho biết Bộ Tài chính Mỹ đang làm việc với các cơ quan quản lý về các biện pháp tiếp theo.
Các khách hàng của SVB đã có thể tiếp cận tiền gửi của mình từ ngày 13/3, và các cơ quan quản lý đã thiết lập một công cụ mới để cho các ngân hàng tiếp cận các nguồn vốn khẩn cấp. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạo điều kiện để các ngân hàng có thể vay vốn từ ngân hàng trung ương dễ dàng hơn trong các trường hợp khẩn cấp.
Trong bối cảnh giới đầu tư đang lo ngại sẽ có những vụ phá sản tiếp theo, các ngân hàng lớn của Mỹ đã mất khoảng 90 tỷ USD giá trị thị trường cổ phiếu trong phiên 13/3, nâng con số mất mát trong ba phiên giao dịch vừa qua lên gần 190 tỷ USD. Trong đó, các ngân hàng khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cổ phiếu của First Republic Bank đã lao đốc hơn 60% khi những tin tức về chương trình cấp vốn mới của chính phủ không thể trấn an giới đầu tư. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với các ngân hàng Western Alliance Bancorp và PacWest Bancorp.
Những thay đổi đột ngột trong các dự đoán về đường hướng lãi suất do những diễn biến xung quanh vụ phá sản của SVB cũng tác động đến các thị trường, khi giới đầu tư dự đoán Fed sẽ khó khăn hơn trong quyết định nâng lãi suất vào tuần tới. Giới giao dịch hiện dự đoán xác suất Fed không nâng lãi suất trong cuộc họp tới là 50%, mà sẽ giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay.