Bà Sanders nêu rõ: "Sau khi cân nhắc việc 800.000 người lao động Mỹ không được trả lương và để đảm bảo đội ngũ nhân viên có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, Tổng thống Trump đã hủy kế hoạch tham dự WEF Davos".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo ông sẽ không tham dự WEF năm nay Thụy Sĩ, nếu nước này không giải quyết được tình trạng chính phủ đóng cửa một phần do mâu thuẫn liên quan bức tường biên giới Mỹ-Mexico.
Theo kế hoạch, hội nghị WEF 2019 sẽ diễn ra từ ngày 22 -25/1, quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế.
Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới.
Chương trình hội nghị năm nay sẽ đi sâu vào vấn đề nêu trên với hơn 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại. Trong số này, có thể kể đến một loạt đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm, và cải cách các thể chế.