Ảnh đồ họa dựng con người khám phá trên Sao Hỏa. |
Theo luật ban hành, chính phủ Mỹ sẽ cấp ngân sách cho chương trình nghiên cứu không gian và sứ mệnh của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đến năm 2033 đưa con người lên sao Hỏa.
Trước đó, văn kiện này đã bất ngờ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Với tên gọi Đạo luật Cấp phép chuyển giao NASA, cơ quan này sẽ nhận được ngân sách hoạt động 19,5 tỷ USD trong tài khóa 2017. Khoản ngân sách này sẽ giúp NASA có nguồn lực đẩy mạnh các kế hoạch khám phá không gian vũ trụ, trong đó có việc nghiên cứu nơi cư trú tiềm năng cho con người tại hành tinh khác và thúc đẩy ngành thương mại vũ trụ trong thế kỷ 21 thông qua các chuyến tàu lên không gian như tàu thám hiểm vũ trụ Orion, vốn đang được phát triển và có hệ thống tên lửa đẩy mạnh nhất được NASA phát triển cho tới nay.
Bên cạnh đó, đạo luật cũng chủ trương đẩy mạnh triển khai sứ mệnh dài hạn đến những năm 2030 đưa con người đến gần hoặc lên sao Hỏa của NASA. Chủ trương này cũng từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định là mục tiêu sống còn đối với bước tiếp theo trong lịch sử không gian vũ trụ của Mỹ.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Donald Trump khẳng định việc cấp ngân sách cho các hoạt động của NASA là nhằm tái khẳng định cam kết của chính phủ đối với các chương trình cốt lõi của cơ quan này. Ông Trump đã đề cao vai trò quả cảm của các nhà du hành vũ trụ trong sự nghiệp nghiên cứu không gian vũ trụ suốt nhiều thập kỷ qua, đồng thời kêu gọi tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa NASA và các đối tác tư nhân trong lĩnh vực này.
Theo giới chuyên gia, sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa, hành tinh đỏ cách Trái Đất 225 triệu km, được đánh giá là kế hoạch vô cùng tốn kém, đầy tham vọng và phải dựa vào sự tiến bộ của công nghệ.