Theo hãng thông tấn Yonhap, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Biden và phái đoàn Mỹ đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol để trao đổi về một loạt vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự kiến gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, tới thăm nhà máy sản xuất chip Samsung, nhấn mạnh cam kết của hai nước đồng mình phối hợp cùng nhau nhằm củng cố các chuỗi cung ứng.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, diễn ra trong bối cảnh cả Seoul và Washington tin rằng Triều Tiên sắp thử tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân và có thể xảy ra trong thời gian ông ở thăm Hàn Quốc hoặc Nhật Bản - chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du.
Ngày 19/5, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc cũng cho biết Triều Tiên đã tính toán thời gian để tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị. Phát biểu trong một cuộc họp kín với các nghị sĩ, NIS khẳng định có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mặc dù nước này đang bận rộn đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19.
Tình báo Mỹ cho rằng có một "khả năng thực tế" rằng Triều Tiên “có thể có hành động” sau khi Tổng thống Mỹ Biden đến Seoul vào ngày 20/5, trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ đến châu Á. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, hành động đó có thể là "các vụ thử tên lửa, thử tên lửa tầm xa hay thử hạt nhân, hoặc cả hai". Theo kênh CNN, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 của nước này.
Trong bối cảnh ấy, hãng thông tấn Hàn Quốc cho biết Seoul và Washington đã có “Phương án B” trong trường hợp Bình Nhưỡng quyết định thử hạt nhân khi Tổng thống Biden đang có chuyến thăm Hàn Quốc.
Phát biểu với báo giới, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia trực thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Tae-hyo, tuyên bố “một Kế hoạch B” đã được thiết lập để “các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ sẽ ngay lập tức chuyển sang cơ chế chỉ huy và kiểm soát tình trạng phòng thủ phối hợp”. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết “Kế hoạch B” bao gồm phản ứng như thế nào trong trường hợp Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân trong những ngày tới đây. Ngày 12/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này lên án các vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên nhưng vẫn duy trì cam kết để ngỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng.
Ngày 19/5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Mỹ cam kết cùng Triều Tiên đối thoại nghiêm túc và sẵn sàng thực hiện phương châm “hành động đổi lấy hành động” với Bình Nhưỡng để tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn trên chuyên cơ Không lực 1 trong hành trình tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hàn Quốc, ông Sullivan thừa nhận ngay từ những ngày đầu chính quyền mới của Mỹ lên nắm quyền, Washington đã liên hệ với Triều Tiên để khẳng định họ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và trao đổi mà không cần điều kiện tiên quyết, thảo luận về con đường phía trước để đạt được tiến triển trong quá trình hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Mỹ đã đề nghị thực hiện mục tiêu đó trên cơ sở hành động đổi lấy hành động.
Tuy nhiên, theo ông Sullivan, Bình Nhưỡng vẫn không phản hồi trước những lời đề nghị của Washington. Cho đến nay, Triều Tiên không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào về việc sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa. Ông Sullivan nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục để ngỏ cánh cửa đối thoại, song cũng duy trì sức ép đối với Triều Tiên cho đến khi nước này quay trở lại bàn đàm phán.
Phía Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để ứng phó một cách kiên quyết với chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ông Sullivan cũng dự báo khả năng Triều Tiên sẽ có thêm những hành động, chẳng hạn như thử hạt nhân, trong hoặc sau chuyến thăm châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden và Mỹ đã sẵn sàng cho tình huống này.
Sau khi kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Biden sẽ tới Nhật Bản, cũng là đồng minh mật thiết nhất của Washington ở châu Á.