Tổng thống Nga khẳng định sẽ tiêm phòng bằng vaccine Sputnik V

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ tiêm vaccine Sputnik V phòng COVID-19 do nước này sản xuất một khi chế phẩm sinh học này được chấp thuận sử dụng cho đối tượng ở độ tuổi của ông, đồng thời ca ngợi sự an toàn và hiệu quả của Sputnik V.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp thường niên năm 2020, Tổng thống Putin cho biết ông vẫn chưa được tiêm vaccine Sputnik V song "chắc chắn sẽ tiêm phòng". Ông tuyên bố Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bào chế thành công và bắt đầu sản xuất vaccine phòng COVID-19 mà ông mô tả là có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm vào khoảng 96-97% theo ý kiến các chuyên gia. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh vào đầu năm 2021, Nga sẽ sở hữu "hàng triệu liều vaccine (Sputnik V)", đồng thời ca ngợi nỗ lực chống dịch của Nga. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến đại dịch. 

LB Nga là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa COVID-19. Vaccine Sputnik V này do Viện nghiên cứu Gamaleya hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga phát triển. Mới đây, Trung tâm "Vector" ở Novosibirsk đã đăng ký vaccine thứ 2 EpiVacCorona. Nga hiện là quốc gia đứng thứ tư thế giới về số ca mắc COVID-19, với gần 3 triệu ca mắc, trong đó có hơn 49.000 ca tử vong.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 27/12 tới.

Chú thích ảnh
 Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Frankfurt, Đức, ngày 16/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ: "Đây là thời khắc của châu Âu. Vào ngày 27, 28 và 29/12 tới, chương trình tiêm chủng vaccine sẽ được khởi động trên khắp EU".

Trao đổi với báo giới, ông Eric Mamer, người phát ngôn của Chủ tịch EC, cho biết việc triển khai chương trình tiêm chủng này phụ thuộc vào cuộc họp vào ngày 21/12 tới của Cơ quan Dược phẩm châu Âu để thảo luận việc cấp phép cho vaccine do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế.

Hiện dư luận đang gây sức ép để EU phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng COVID-19, để bắt kịp Mỹ và Anh - vốn đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho người dân loại vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 16/12 cho biết 27 nước thành viên EU có kế hoạch bắt đầu chương trình tiêm vaccine trong cùng một ngày để biểu thị tình đoàn kết nhằm vượt qua đại dịch.

EC đã ký các hợp đồng với 7 nhà cung cấp vaccine tiềm năng nhằm đảm bảo tất cả công dân trưởng thành EU đều có thể được tiêm phòng. Các quốc gia thành viên sẽ quyết định đối tượng được ưu tiên tiêm, song những người cao tuổi và các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ là hai nhóm đối tượng được ưu tiên đầu tiên. 

Vaccine của Pfizer-BioNTech đã cho thấy mức độ hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lên tới 95%. Tại châu Âu, vaccine này được sản xuất tại một cơ sở của Pfizer ở Bỉ và được phân phối bằng xe tải và máy bay. Vaccine này phải được bảo quản ở nhiệt độ -74 độ C để đảm bảo chất lượng, song có thể vận chuyển trong thời gian ngắn ở nhiệt độ 2-8 độ C.

Phương Oanh (TTXVN)
Ấn Độ dùng vaccine COVID-19 hâm nóng quan hệ với Bangladesh
Ấn Độ dùng vaccine COVID-19 hâm nóng quan hệ với Bangladesh

Ấn Độ đảm bảo với Bangladesh sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho quốc gia láng giềng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN