Hãng thông tấn Tass đưa tin, trả lời trong chương trình phỏng vấn ”Moskva. Kremlin. Putin” đăng tải trên trang mạng của người tổ chức chương trình Pavel Zarubin, Tổng thống Putin đánh giá “điều đang xảy ra tại Mỹ là biểu hiện của một số cuộc khủng hoảng nội bộ sâu sắc”, cuộc khủng hoảng này đã xảy ra trong một thời gian dài kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhận nhiệm sở.
“Khi ông ấy thắng cử, chiến thắng đó là hiển nhiên và dân chủ; song đảng phái thất bại đã nghĩ ra đủ mọi câu chuyện không có thật chỉ để người ta hoài nghi vào tính hợp pháp của ông ấy”.
Tổng thống Putin cũng nhận định vấn đề then chốt của hệ thống chính trị Mỹ đó là việc các đảng phái đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của nhân dân. Ông nêu rõ: “Với tôi, dường như vấn đề ở đây là các lợi ích đảng phái đã được đặt lên trên lợi ích của toàn xã hội và lợi ích của người dân Mỹ”.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng ông thường cố gắng “bình luận một cách thận trọng, hoặc không bình luận về tất cả những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác”.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã bùng phát tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, và hàng trăm thành phố trên toàn nước Mỹ kể từ hôm 25/5 sau vụ công dân Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ.
Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được xác định là Derek Chauvin, đã đè cổ ông Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi ông này nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được. Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Cảnh sát Chauvin đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến để đảm bảo an ninh trong các đêm diễn ra biểu tình. Cho đến nay đã có hơn 20 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra.
Phe Dân chủ và nhiều thành viên nổi tiếng trong chính giới và dư luận Mỹ đã lên tiếng chỉ trích làn sóng biểu tình, cũng như cách thức Chính quyền Tổng thống Donald Trump xử lý bạo động.
Ứng cử viên đảng Dân chủ đang tranh cử tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 đã lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang nổ ra trên khắp nước Mỹ, tuy nhiên ông cho rằng người dân Mỹ có quyền được biểu tình.
Trong một tuyên bố, ông Joe Biden nhấn mạnh biểu tình chống lại hành vi tàn bạo là quyền của người dân và là điều cần thiết, nhưng việc đốt phá các cộng đồng và tiến hành các hành động phá hoại là không được phép. Ông cũng cho rằng bạo lực đe dọa đến tính mạng người khác và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh phục vụ cộng đồng là hoàn toàn sai trái.
Cựu Tổng thống George W. Bush, Thượng nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Utah Mitt Romney, cựu Ngoại trưởng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush là ông Colin Powell được cho sẽ không ủng hộ kế hoạch tái tranh cử của Tổng thống Trump. Nhiều lãnh đạo khác đảng Cộng hòa đang cân nhắc việc có nên ủng hộ chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ, thậm chí một số còn tính đến việc ủng hộ hoặc bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc thậm chí đã vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ. Người dân tại nhiều thành phố khắp châu Âu đã xuống đường tuần hành ngày 7/6 nhằm kêu gọi sự đối xử công bằng giữa các sắc tộc. Biểu tình đã lan rộng tại hàng chục nước khác từ Anh, Pháp, Đức cho tới New Zealand...
Tại Bắc Phi, hàng trăm người đã tham gia cuộc tuần hành trên đại lộ Habib Bourguiba - tuyến đường chính ở trung tâm thủ đô Tunis. Một số cộng đồng từ các quốc gia châu Phi đang sinh sống ở Tunisia cũng đã tham gia cuộc tuần hành. Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu phản đối nạn phân biệt chủng tộc và các chính sách của Tổng thống Donald Trump.