Tổng thống Pháp, François Hollande đã gọi điện cho người đồng cấp Bolivia, Evo Morales, để xin lỗi về vụ chuyên cơ chở ông Morales bị rút phép bay qua không phận Pháp vào giờ chót trên đường về nước sau khi thăm Nga, hành động đã đe dọa tính mạng của nhà lãnh đạo cánh tả này.
Tổng thống Morales bị mắc kẹt hơn 13 tiếng tại sân bay ở Vienna (ảnh: El Espejo) |
Trả lời phỏng vấn báo La Razón (Bolivia) ngày 21/7, Đại sứ Pháp tại La Paz, Michel Pinard, cho biết Tổng thống Hollande đã tìm cách gọi điện cho ông Morales từ hôm 3/7, sau khi chuyên cơ đã rời Vienna (Áo), nơi máy bay phải hạ cánh khẩn vì Pháp rút phép, nhưng không liên lạc được.
Hôm 4/7, khi ở thăm Tunisia, ông Hollande lại tìm cách liên lạc, nhưng cũng không được, dp ông Morales đang dự cuộc họp bất thường của các tổng thống Nam Mỹ để phản đối việc Pháp và một số nước châu Âu khác chặn chuyên cơ vì nghi ngờ trên máy bay có cựu nhân viên kỹ thuật CIA Edward Snowden, đang bị Washington truy lùng gắt gao vì tiết lộ hoạt động gián điệp bất hợp pháp của chính phủ Mỹ.
Cuối cùng, ngày 12/7, Tổng thống Hollande đã nói chuyện được với ông Morales, khi nhà lãnh đạo cánh tả này dự hội nghị thượng đỉnh của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) tại Montevideo (Uruguay).
Đại sứ Pinard cho biết ông Hollande gọi điện để khẳng định Pháp lấy làm tiếc về sự cố trên, Paris không bao giờ có ý định xúc phạm Bolivia và Tổng thống Morales.
Bolivia hoàn thành thủ tục xin phép chuyên cơ bay qua châu Âu 10 ngày trước chuyến thăm Nga đầu tháng này của Tổng thống Morales để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt. Trước khi máy bay cất cánh tại Mátxcơva về nước, Bolivia chỉ nhận được thông báo rút phép của Bồ Đào Nha vì “lý do kỹ thuật”. Khi máy bay tới gần không phận của Pháp mới nhận được thông báo hủy phép của nước này. Italy cũng đóng cửa không phận để “phù hợp với quyết định của Pháp”.
Trước tình huống trên, chuyên cơ phải hạ cánh khẩn cấp tại Vienna và Tổng thống Morales phải chờ hơn 13 tiếng tại sân bay.
Khi máy bay đã hạ cánh tại Áo, Bolivia xin phép quá cảnh qua Tây Ban Nha, nhưng đại sứ nước này tại Vienna đặt điều kiện khám xét chuyên cơ để mở cửa không phận. Trước thái độ cương quyết của Tổng thống Morales, Tây Ban Nha đã từ bỏ ý định lục soát, và cho phép máy bay bay qua không phận và hạ cánh tiếp nhiên liệu tại quần đảo Canarias.
Sự cố trên đã gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ Latinh và các nước châu Âu kể trên.
Cho tới nay, Pháp và Tây Ban Nha đã xin lỗi Bolivia, còn Italy và Bồ Đào Nha gửi công hàm giải thích vụ việc.
Tuy nhiên, Chính phủ Bolivia chưa hài lòng với những giải thích và lời xin lỗi bởi vì các quốc gia Tây Âu này không nói rõ nguyên nhân dẫn tới việc họ đóng cửa không phận. Bolivia cũng muốn các nước này xác định và trừng phạt những người có trách nhiệm.
Chính phủ Bolivia đã triệu hồi các đại sứ tại bốn nước châu Âu này để “trực tiếp nghe báo cáo” về vụ việc, một động thái được hiểu như là hành động phản đối, và các nhà ngoại giao này sẽ không quay trở lại nhiệm sở cho tới khi Bolivia nhận được giải thích thuyết phục.
Mặt khác Bolivia cân nhắc khả năng trục xuất các đại sứ của các nước châu Âu tại La Paz.
Bolivia tố cáo Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đã chặn chuyên cơ dưới sức ép của Mỹ. Để phản đối hành động vi phạm pháp luật quốc tế và đe dọa tới tính mạng của Tổng thống Morales, nhà lãnh đạo cánh tả này tuyên bố sẵn sàng cho Snowden tị nạn nhân đạo.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)