“Châu Âu… là một tập thể kinh tế đầy sức mạnh, việc họ muốn độc lập… và có chủ quyền trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng là điều tự nhiên”, Tổng thống Putin trả lời phỏng vấn hãng tin RT khi tới Pháp cùng các nhà lãnh đạo khác trên thế giới tham dự lễ kỷ niệm chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ I.
Nhà lãnh đạo Nga cũng miêu tả việc hình thành một quân đội châu Âu là “quá trình lạc quan”, giúp ích cho “thế giới đa cực”.
Tổng thống Putin thậm chí còn bày tỏ sự ủng hộ đối với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron khi nêu ra ý tưởng trên, cho rằng quan điểm của Nga về vấn đề này phần nào “nhất trí với quan điểm của Pháp”.
Video Tổng thống Putin lên tiếng về ý tưởng quân đội châu Âu (nguồn: RT):
Trước đó, Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn thúc đẩy thành lập một “đội quân châu Âu thực sự”. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định: “Chúng ta sẽ không thể bảo vệ công dân châu Âu nếu chúng ta không quyết định có một đội quân riêng của châu Âu”.
Tổng thống Macron cho rằng cần có một quân đội châu Âu để đối phó tốt hơn trước mối đe dọa Nga. Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cũng muốn quân đội châu Âu “độc lập” hơn đối với đối tác chiến lược ở bên kia Đại Tây Dương, cụ thể là Mỹ. “Chúng ta phải có một quân đội châu Âu có thể tự bảo vệ mà không phụ thuộc vào mỗi nước Mỹ”, người đứng đầu chính phủ Pháp nhấn mạnh.
Ý tưởng đầy tham vọng của Tổng thống Pháp đã vấp phải phản ứng giận dữ từ Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ý tưởng đó mang nghĩa “xúc phạm” và yêu cầu châu Âu hoàn lại số tiền Mỹ trợ cấp NATO.
Trong buổi gặp mặt song phương nhân dịp Tổng thống Trump tới Paris dự lễ kỷ niệm ngày chấm dứt Thế chiến I, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố gắng thể hiện thông qua ngôn ngữ cơ thể để chứng tỏ “quan hệ nồng ấm” với người đồng cấp Mỹ nhưng dường như đây chỉ là "cố gắng từ một phía”. Trong suốt thời gian gặp mặt, mặc cho người đồng cấp Pháp mỉm cười, bắt tay, ông Trump lạnh lùng hờ hững đáp lại.
Nỗ lực hòa giải giữa hai bên dường như thất bại khi Tổng thống Trump khăng khăng cần phải được san sẻ “gánh nặng NATO”, trong khi người đồng cấp Macron thể hiện không sẵn lòng từ bỏ ý tưởng thành lập quân đội châu Âu.
Đề cập đến mối quan hệ giữa Moskva với NATO và Washington, Tổng thống Putin cho biết Nga luôn sẵn lòng đối thoại, còn quả bóng thì bên sân Mỹ. “Không phải chúng tôi là người rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung INF, là Mỹ khởi xướng”.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại, đặc biệt là đàm phán cấp chuyên gia. Ông cho biết Nga gần đây đã tránh tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới NATO rõ ràng để giảm bớt căng thẳng, cũng như Moskva “không có vấn đề gì” với các cuộc tập trận của NATO.