Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Phương Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu thu hút sự chú ý của dư luận tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Phương Đông.

Toàn cảnh phiên toàn thể.

Theo Phóng viên TTXVN tại LB Nga, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 2 (EEF-2), Phiên họp toàn thể diễn ra vào ngày 3/9 đã rất được dư luận và giới truyền thông quan tâm, bởi ngoài Tổng thống Nga Vladimir Putin, còn có Tổng thống Hàn Quốc Pak Guen-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự và phát biểu dù 2 quốc gia này được xem là các đồng minh của Mỹ và đang tồn tại những bất đồng nhất định đối với LB Nga.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga nhấn mạnh để quá trình hội nhập kinh tế được hiệu quả thì không nên để bị ảnh hưởng bởi sự chi phối của chính trị hay những áp đặt mang tính đơn phương mà phải xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và quan tâm đến lợi ích quốc gia của nhau.

Khi giới thiệu về vùng Viễn Đông Nga, ông Putin cho biết một trong những nhiệm vụ quốc gia ưu tiên là biến Viễn Đông trở thành trung tâm kinh tế xã hội của LB Nga. Các tín hiệu khả quan trong thời gian gần đây đã tạo động lực cho mục tiêu đó của Moskva, cụ thể: trong 3 năm liên tiếp, tỷ lệ sinh trong khu vực đã vượt quá tỷ lệ tử vong, dòng người rời bỏ khu vực cũng giảm đi 3,5 lần.

Trong khi đó, trong 1 năm vừa qua, dòng vốn đầu tư vào Viễn Đông đạt gần 15 tỷ USD, tăng trưởng trong ngành sản xuất công nghiệp ở Viễn Đông đã tăng 5%, trong khi mục tiêu này đối với cả nước chỉ là 0,3%. Kết quả này có được là nhờ vào cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Về tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, ông Putin cho rằng 2 nước cần tìm kiếm phương án giải quyết có tính đến lợi ích của mỗi quốc gia, để cả 2 bên đều chấp nhận được và không nước nào cảm thấy thắng hay thua cuộc. Liên quan đến vấn đề này, về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi Tổng thống Putin cùng phối hợp để sớm giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đi đến ký kết Hiệp ước hoà bình và bắt đầu kỷ nguyên mới của quan hệ Nga-Nhật.

Ông Abe cũng đề nghị Nga và Nhật Bản tổ chức các cuộc gặp hàng năm ở cấp nguyên thủ quốc gia tại Vladivostok để cùng kiểm tra việc thực thi Kế hoạch 8 điểm về hợp tác kinh tế thương mại Nga-Nhật được ông Abe đề xuất trong cuộc gặp tại Sochi hồi hôm 6/5 vừa qua.
 
Liên quan vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Putin khẳng định quan điểm mang tính nguyên tắc của Nga là dứt khoát phản đối việc phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt trên thế giới, đồng thời kêu gọi CHDCND Triều Tiên tuân thủ nghị quyết của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, theo ông Putin, Nga sẽ sử dụng mối quan hệ của mình với CHDCND Triều Tiên để thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán. Trong khi đó, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố từ đầu năm tới nay, Bình Nhưỡng đã 4 lần tiến hành thử hạt nhân, liên tiếp bỏ qua Nghị quyết của Liên hợp quốc và không ngừng nâng cao năng lực hạt nhân, đồng thời gọi Triều Tiên là “mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với khu vực”.

Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Putin tiếp tục khẳng định Nga không có vai trò và không phải là một bên trong xung đột. Nga hoàn toàn đồng tình với quan điểm Nhóm Normandy và Washington về việc nhất định thoả thuận Minsk phải được thực hiện và không thể thay thế bằng phương án nào khác. Theo ông Putin, Kiev phải nghiêm túc thực thi thoả thuận Minsk, và EU phải có trách nhiệm gây áp lực đối với Ukraine bởi nước này chỉ nghe theo các quốc gia châu Âu.

Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 2 (EEF-2) là sân chơi để Nga thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên thiên nhiên, tìm kiếm các đối tác mới nhằm thúc đẩy chính sách hướng Đông, góp phần thoát sự cô lập của phương Tây. Sau 2 ngày diễn ra, Diễn đàn đã ghi nhận hơn 100 thoả thuận được ký kết với tổng trị giá lên tới 1,46 nghìn tỷ ruble, tương đương với khoảng 23 tỷ USD.

Quang Vinh (P/v TTXVN tại Moskva)
Nhật Bản ganh tị với tỷ lệ sinh đẻ tăng của Nga
Nhật Bản ganh tị với tỷ lệ sinh đẻ tăng của Nga

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản ganh tị với Nga vì nước này đang thiếu trường học do tỷ lệ sinh đẻ tăng lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN