Hãng tin RT, đài Sputnik cho biết Tổng thống Putin giải thích quyết định trên là nhằm đáp trả những tuyên bố “thù địch” của các quan chức hàng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nga đang mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine. Chiến dịch này hiện bước sang ngày thứ 4.
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov tại Moskva, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Giới chức cấp cao của các nước đứng đầu NATO đang có những tuyên bố mang tính gây hấn đối với đất nước chúng ta. Do đó, tôi ra lệnh Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng đặt các lực lượng răn đe hạt nhân Nga vào trạng thái chiến đấu đặc biệt”.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Các nước phương Tây không chỉ thực thi những hành động thiếu thân thiện đối với nước Nga trong lĩnh vực kinh tế. Tôi đang nói về những lệnh trừng phạt bất hợp pháp mà bất kỳ ai cũng biết rõ".
Các lực lượng răn đe hạt nhân Nga bao gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường, có thể được sử dụng vừa để phòng thủ vừa có thể tấn công. Theo học thuyết quân sự của Nga, các lực lượng răn đe hạt nhân được xây dựng để "ngăn chặn hành động gân hấn nhằm chống lại Nga và các đồng minh của Nga, đồng thời để đánh bại đối tượng gây hấn, bao gồm trong một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân".
Nhà lãnh đạo Nga đưa ra chỉ đạo trên sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo nếu Moskva không ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay ở Ukraine, điều đó có thể dẫn tới một cuộc xung đột với NATO. Bà Liz Truss nói: “Cuộc xung đội lâu dài này là vì tự do và dân chủ ở châu Âu. Bởi vì nếu chúng ta không ngăn chặn Nga tại châu Âu, chúng ta sẽ chứng kiến những nước khác bị đe dọa: các nước Baltics, Ba Lan, Moldova. Và nó có thể dẫn tới một cuộc xung đột với NATO”.
Sau khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân vào trạng thái trực chiến cao, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27/2 tuyên bố Mỹ và NATO không phải là mối đe dọa của Nga, đồng thời cho rằng Moskva đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào trạng thái báo động cao dựa trên những mối đe dọa không tồn tại. Người phát ngôn Psaki từ chối bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Anh Liz Truss.
Cũng trong ngày 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Berlin sẽ không từ bỏ đối thoại với Nga. Phát biểu trong cuộc họp khẩn của Quốc hội Đức, ông Scholz cho biết: “Trong tình huống ngặt nghèo hiện nay, nhiệm vụ của ngoại giao là duy trì các kênh đối thoại vẫn mở, các phương án khác đều bị coi là vô trách nhiệm”. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh an ninh lâu dài của châu Âu không thể xây dựng theo hướng chống lại Nga, tuy nhiên nêu rõ hành động của Moskva cũng đang tạo rủi ro cho hệ thống này.