Cụ thể, sắc lệnh thứ nhất cho phép cảnh sát, quân đội và các lực lượng an ninh tiếp cận và kiểm tra bất kỳ tòa nhà hay cá nhân nào, giám sát tài sản và tịch thu tiền, cửa hàng, hàng hóa hay bất cứ thứ gì bị nghi ngờ vi phạm pháp luật.
Sắc lệnh này cũng cho phép các lực lượng chức năng hạn chế các hoạt động của người dân, các phương tiện giao thông và liên lạc, cũng như bắt giữ bất kỳ cá nhân nào bị tình nghi vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp.
Sắc lệnh thứ hai cấm các viên chức nhà nước lợi dụng chức quyền để đạt được lợi ích cá nhân hoặc các lợi ích bất hợp pháp.
Theo đó, cấm các viên chức ký hợp đồng hoặc thực hiện bất kỳ giao dịch nào có thể khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm các quy định về hợp đồng và mua bán hợp pháp. Sắc lệnh cũng cho phép các công tố viên tước quyền miễn trừ của các nghị sĩ và các
Ngoài ra, Tổng thống Sudan ban bố 3 lệnh cấm khẩn cấp, bao gồm cấm tụ tập nơi công cộng mà không được chính quyền cấp phép; cấm giao dịch ngoại tệ; cấm phân phối, tích trữ, bán và vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ và các mặt hàng được trợ cấp. Theo lệnh cấm, những người mang hơn 3.000 USD và hoặc 150 gram vàng ra nước ngoài sẽ bị phạt tù.
Trước đó, ngày 22/2, Tổng thống al-Bashir đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 1 năm và giải tán chính quyền ở tất cả các cấp trung ương và cấp bang, tiếp đó bổ nhiệm một chính quyền lâm thời.
Đây được xem là nỗ lực nhằm dập tắt làn sóng biểu tình diễn ra trên khắp Sudan từ ngày 19/12/2018 phản đối tình trạng kinh tế sa sút và giá cả các mặt hàng cơ bản tăng cao ở nước này. Bộ Nội vụ Sudan cho biết, các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến 33 người thiệt mạng. Tổng thống Bashir cũng lên tiếng kêu gọi phe đối lập cùng tham gia “lộ trình hòa giải dân tộc” và đối thoại.
Dư luận cho rằng các biện pháp khẩn cấp, đặc biệt là quyết định của Tổng thống Bashir giải tán chính phủ, liên quan sức ép từ các nhóm phiến quân ở khu vực Dafur của Sudan tham gia đàm phán với chính phủ.
Tiến trình hoà bình Darfur đang đối mặt với bế tắc, theo đó 2 nhóm phiến quân rút đã khỏi đàm phán trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lan rộng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp để thảo luận các bước tiếp theo việc rút phái bộ gìn giữ hoà bình ra khỏi Darfur.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, tại phiên họp, các nước phương Tây gồm Mỹ, Anh và Pháp đã phản đối việc Tổng thống Sudan Omar al-Bashir áp đặt tình trạng khẩn cấp ở nước này thời hạn 1 năm. HĐBA hiện đang theo dõi sát tình hình tại Darfur để xúc tiến kế hoạch rút binh lính gìn giữ hoà bình khỏi phái bộ chung với Liên minh châu Phi (UNAMID).
Trong khi đó, Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Ngô Hải Đào (Wu Haitao) kêu gọi HĐBA xem xét lại các lệnh trừng phạt Sudan theo diễn biến tình hình mới nhất và tiến tới dỡ bỏ trừng phạt.
Theo quan chức này, kể từ khi UNAMID trao dần nhiệm vụ gìn giữ an ninh cho Chính phủ Sudan năm ngoái, tình hình an ninh tại Darfur đã dần ổn định trở lại. Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng các biện pháp của Chính phủ Sudan sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định lâu dài của khu vực Darfur.