Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã vững vàng trên vị trí lãnh đạo trải qua hàng loạt biến cố như một cuộc nổi dậy của phe đối lập, nội chiến kéo dài nhiều năm và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khi cuộc nội chiến tại Syria bước sang năm thứ 9, nhà lãnh đạo 53 tuổi này dường như vẫn tự tin và chắc chắn hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, tại Algeria, ngày 3/4 vừa qua Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã từ chức sau 2 thập niên cầm quyền. Một tuần sau đó, quân đội Sudan đảo chính lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, kết thúc 30 năm lãnh đạo của ông này.
AP cho rằng những diễn biến này mang nhiều tương đồng với “Mùa xuân Arab” diễn ra cách đây gần 1 thập kỷ. Điểm chung của hai sự ra đi này là đây đều là những nhà lãnh đạo đã cầm quyền nhiều thập kỷ liên tiếp và ngày càng phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ của dân chúng.
Mạng xã hội lập tức lan tràn hình ảnh về các nhà lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh Arab đã diễn ra trong những năm qua và hầu hết các nhân vật này đều đã rời nhiệm sở, trừ Tổng thống al-Assad. Một điều trùng hợp là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông al-Bashir là đến Damascus gặp gỡ người đồng cấp al-Assad vào tháng 12/2018.
Ở thời điểm này chiếc ghế của ông Assad vẫn được đảm bảo chắc chắn với sự ủng hộ của Nga và Iran. Cộng đồng thế giới vẫn ghi nhận quyền lãnh đạo của ông với tư cách là một tổng thống dân cử. Cuộc bầu cử sắp tới tại Syria sẽ diễn ra vào năm 2021.
Tổng thống al-Assad nhận được ủng hộ mạnh mẽ và lòng trung thành kiên định của bộ tộc Alawite ở Syria. AP đánh giá tài sản lớn nhất của ông al-Assad là vị trí chiến lược của Syria – mắt xích tại Địa Trung Hải và trung tâm của thế giới Arab.
Nhiều quốc gia Vùng Vịnh đã mở lại Đại sứ quán ở Syria sau nhiều năm tẩy chay. Các đoàn đại biểu Iraq, Lebanon và Jordan cũng đến thăm Syria trong những tháng gần đây để bàn luận về thương mại, thúc đẩy quan hệ… Mặc dù Liên đoàn Arab tuyên bố chưa khôi phục tư cách thành viên cho Syria nhưng lần đầu tiên trong 8 năm qua vấn đề này đã được đưa ra bàn luận tại hội nghị thường niên của tổ chức này.
Có thể nói rằng cuộc nội chiến và cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đang bước qua những ngày cuối cùng, khắc phục hậu quả chiến tranh và đưa đất nước trở lại bình thường sẽ là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, song Syria có cơ sở để tin tưởng bởi sau gần 1 thập kỷ đất nước này không phải chứng kiến các cuộc lật đổ và tranh giành quyền lực đẫm máu như một số nước láng giềng.