Tổng thống Trump đang ở thế 'tiến thoái lưỡng nan' tại Syria

Ngày 10/4, tờ Boston Globe đăng bài viết cho rằng mọi lựa chọn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Syria đều không mấy khả quan.

Cây bút Evan Horowitz đánh giá Mỹ đang đứng ở giao lộ chiến lược liên quan tới vấn đề Syria. Cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria đã có kết quả. Tuy nhiên, chiến thắng trước IS lại có thể khiến tình hình thêm phức tạp khi các đối thủ trong khu vực tìm cách kiểm soát vùng lãnh thổ IS đã bỏ lại sau khi thất trận.

Tổng thống Donald Trump đang đứng trước nhiều lựa chọn cho vấn đề tại Syria. Ảnh: Reuters

Chiến sự tại Syria trong những năm gần đây bị chia làm đôi. Ở mặt trận phía Đông là cuộc chiến chống lại IS của Mỹ và đồng minh người Kurd. Còn tại mặt trận phía Tây, các nhóm nổi dậy đang giao tranh với quân đội Syria ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, khi IS đánh mất sức mạnh thì ranh giới trên đã không còn rõ nét. Lực lượng người Kurd từng được Mỹ bảo trợ nay lại phải đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, sự xuất hiện của nhân tố Iran tại Syria đã khiến Israel “nóng mắt”.

Ở bối cảnh này, Mỹ hầu như chỉ quan sát và không thể chắc chắn về đồng minh đáng tin cậy hay cái gì được coi là vị thế chiến thắng. Ngày 3/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ chủ trương muốn sớm rút quân tại Syria về nước. Nhưng với diễn biến nóng gần đây tại Syria, bất cứ sự leo thang nào cũng sẽ khiến Mỹ rơi vào một “chiến trường đông đúc” với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, người Kurd, Israel và lực lượng nổi dậy.

Từ đây, ông Horowitz cho rằng có một lựa chọn cho Tổng thống Trump là “bắt tay” với Nga. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận thuận theo các ưu tiên của Nga, như đảm bảo vai trò của Tổng thống Assad trong tương lai Syria. Đổi lại Mỹ có thể giúp lực lượng người Kurd giành quyền tự trị tại miền Đông hoặc ban hành các quy định đặc biệt tại biên giới Israel-Syria.

Nhưng mối quan hệ Nga-Mỹ hiện không hề nồng ấm với nhiều vấn đề như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, tình hình Ukraine, vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh… Ngay cả Tổng thống Trump, người vốn từng được coi khá nhẹ giọng với Moskva, nay cũng đã cứng rắn hơn khi trực tiếp cáo buộc người đồng cấp Vladimir Putin trong vấn đề Syria.

Một lựa chọn khác là Mỹ xử lý cuộc chiến tại Syria theo hướng biến đây thành cơ hội để định hình Trung Đông theo ý muốn. Biện pháp này nhiều khả năng “hợp ý” tân Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Theo đài BBC (Anh), ông Bolton, vốn là cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, từng ủng hộ Mỹ đưa quân đến Iraq.

Cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tại Syria đã gây ra nhiều tổn thất tại quốc gia Trung Đông này. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, ông Kenneth Pollock tại Viện Doanh nghiệp Mỹ gần đây đề xuất “chiến thuật thánh chiến người Syria” trong đó trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy để củng cố cuộc chiến và khiến lực lượng Syria, Iran phải đổ máu. Song điều này kéo theo rủi ro đã được chứng minh trong lịch sử. Những nhóm thánh chiến mà Mỹ từng chống lưng để đối đầu với Liên Xô trước đây tại Afghanistan sau này đã “sản sinh” ra Al-Qaeda cùng nhiều nhóm khủng bố khác.

Một giải pháp hạn chế hơn là Mỹ có thể cố gắng tái chia rẽ cuộc chiến ở Syria thành hai, để quân đội Syria kiểm soát phía Tây trong khi tăng cường hiện diện của Mỹ ở phía Đông. Điều này có thể tạo vùng đệm bảo vệ cho lực lượng người Kurd đồng thời tạo điều kiện để Mỹ bành trướng phạm vi hoặc tấn công bất cứ lúc nào.


Ngoài các lựa chọn quân sự, áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế cũng là một khả năng. Theo cây bút Horowitz, phương pháp này có thể gây tổn hại nền kinh tế Nga và Iran hoặc buộc hai quốc gia này phải nhượng bộ nếu muốn tái thiết Syria.

Một giải pháp khác là Mỹ hoàn toàn rút chân khỏi Syria. Tuy nhiên, viễn cảnh Mỹ rời khỏi Syria sẽ khiến Israel “đứng ngồi không yên”.

Theo ông Horowitz, đôi khi Tổng thống Mỹ phải "đau đầu" trước một loạt lựa chọn không khả quan. Đó là điều mà Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama từng phải trải qua trong năm 2013 khi cuối cùng ông quyết định không dùng giải pháp quân sự chống lại Tổng thống Syria Assad.

Hà Linh/Báo Tin tức
Những kịch bản trả đũa 'sấm sét' của Nga nếu Mỹ tấn công Syria
Những kịch bản trả đũa 'sấm sét' của Nga nếu Mỹ tấn công Syria

Liệu Nga có thực sự dám đánh chìm một tàu chiến Mỹ với hàng trăm thuỷ thủ trên boong để đáp trả một vụ tấn công tương đối yếu hơn mà Mỹ giáng xuống Syria. Nếu làm vậy, Moskva sẽ lập tức mở ra một chiến trường của hải quân hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN