Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), tuy Tổng thống Trump đã tuân theo đúng những cam kết trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 nhưng quyết định này của ông sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
Nòng cốt của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt vốn áp đặt vào quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Sau thỏa thuận năm 2015, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã tăng gấp đôi đồng thời tạo điều kiện để Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Tehran tăng 4% trong năm 2017.
Viễn cảnh tồi tệ trong quyết định của Tổng thống Trump là châu Âu, Trung Quốc và Nga phải tạm ngưng giao dịch thương mại với Iran khiến GDP của quốc gia này sụt giảm. Công ty phân tích Oxford Economics có trụ sở tại Anh ước tính rằng Iran có thể mất tới 500.000 việc làm từ quyết định của Tổng thống Trump.
Iran sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi Mỹ "dứt áo ra đi" khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 nhưng bản thân Washington cũng có những chướng ngại vật riêng.
Theo tờ Washington Post, quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tạo thêm khoảng cách giữa Mỹ và các đồng minh tại châu Âu. Trong một tuyên bố chung, các lãnh đạo Đức, Pháp và Anh đều cùng quan điểm “lo ngại và tiếc nuối” về quyết định của Tổng thống Mỹ Trump. Các lãnh đạo này đồng thời khẳng định họ sẽ trung thành với thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015, bất chấp quyết định của ông Trump. Về phần Iran, nhiều quan chức quốc gia Trung Đông này nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đối thoại về thỏa thuận với những quốc gia còn lại đã ký kết.
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Trump thể hiện chủ ý muốn mở thời kỳ ngoại giao mới với Iran. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về việc liệu Tổng thống Trump có đạt được thành quả tốt hơn người tiền nhiệm Barack Obama hay không.
Ngoài ra, chuyên gia Nicholas Miller tại Đại học Dartmouth (Mỹ) còn đánh giá rằng Tổng thống Trump khó nhận được ủng hộ rộng rãi sau quyết định ngày 8/5. Ông Miller nói: “Phải mất 30 năm sử dụng ngoại giao và nhiều nhân tố khác để Iran ‘gật đầu’ với JCPOA và hạn chế chương trình hạt nhân. Nếu cố gắng để đạt được thỏa thuận tốt hơn mà thiếu những điều kiện thuận lợi thì sẽ chỉ là kết quả viển vông”.
Ngoài ra, tờ TIME (Mỹ) lại đánh giá ảnh hưởng kinh tế sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là không hề nhỏ. Sản lượng khai thác dầu của Iran nhiều khả năng giảm dẫn đến giá “vàng đen” tăng. Trong khi đó, sản lượng dầu thô trên toàn thế giới trong thời gian qua vốn đã giảm do bất ổn tại Venezuela, tình hình mất cân bằng địa chính trị ở Trung Đông và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác.
Các công ty năng lượng của Mỹ có khả năng “gồng mình” để bù đắp cho thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức riêng như thiếu nhân sự, cơ sở hạ tầng… Từ đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ dễ dàng nhận ra tác động với ví tiền của họ. Đây đồng thời cũng là một thách thức địa chính trị và kinh tế mới đối với Tổng thống Trump.