Phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Guterres cũng hối thúc "chấm dứt cản trở sự lãnh đạo dân chủ và tôn trọng pháp trị" ở Niger.
Người đứng đầu LHQ cho biết ông đã nói chuyện với ông Bazoum ngày 26/7 để bày tỏ sự đoàn kết của LHQ. Theo Tổng thư ký Guterres, ông không biết chính xác Tổng thống Bazoum đang bị giam giữ ở đâu. Trong cuộc nói chuyện, ông Bazoum cho biết ông khỏe nhưng tình hình ở Niger "rất nghiêm trọng".
Tại một cuộc họp báo sau đó, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết các hoạt động nhân đạo tại Niger đang tạm dừng do tình hình rối ren tại quốc gia Tây Phi này. Ông Dujarric nhấn mạnh Niger vốn đang đối mặt với tình hình nhân đạo phức tạp, bạo lực do các nhóm vũ trang gây ra cả ở nước này và ở các nước láng giềng làm gia tăng mối lo ngại về bảo vệ dân thường cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.
Theo ông Dujarric, hiện 4,3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở Niger, so với 1,9 triệu người vào năm 2017. Trên 370.000 người phải sơ tán tại Niger. Quốc gia này cũng là điểm đến của trên 250.000 người tị nạn, chủ yếu đến từ Nigeria, Mali và Burkina Faso.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cho biết đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Niger Bazoum ngày 27/7 sau khi ông Bazoum bị phế truất.
Trả lời phỏng vấn của báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đang diễn ra tại St Petersburg (Nga), ông Mahamat cho biết tình hình sức khỏe của Tổng thống Bazoum tốt.
Cùng ngày 27/7, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến tại Niger và lên án mọi ý đồ tiếm quyền bằng vũ lực tại quốc gia Tây Phi này.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách phát triển và khu vực châu Phi, Andrew Mitchell cũng nhấn mạnh London lên án động thái phá hoại sự ổn định ở Niger.
Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố kêu gọi khôi phục ngay lập tức tính toàn vẹn của các thể chế dân chủ ở Niger đồng thời trả tự do cho Tổng thống Bazoum sau diễn biến mà Paris cáo buộc là “tiếm quyền”. Theo tuyên bố, Pháp ủng hộ các nỗ lực của khu vực trên cơ sở tôn trọng chế độ dân chủ của Niger và tạo điều kiện để khôi phục lập tức chính quyền dân sự.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cũng ra thông báo kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger Bazoum. Trong bài viết đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án âm mưu tiếm quyền của một lực lượng quân đội ở Niger. Thụy Sĩ yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống được dân bầu và đưa Niger trở lại trật tự hiến pháp cũng như tiến hành đối thoại”.
Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Bắc Kinh kêu gọi các bên liên quan ở Niger hành động vì lợi ích cơ bản của quốc gia và người dân nước này, giải quyết bất đồng một cách hòa bình thông qua đối thoại, sớm khôi phục trật tự và bảo vệ hòa bình, ổn định và sự phát triển chung của đất nước.
Trước đó, sáng 26/7 (giờ địa phương), một nhóm cận vệ của Tổng thống Niger đã phong tỏa mọi lối ra vào Phủ Tổng thống. Sáng 27/7, nhóm binh sĩ xuất hiện trên truyền hình Niger tuyên bố Tổng thống Bazoum đã bị phế truất vài giờ sau khi bị giam giữ trong Phủ tổng thống. Nhóm binh sĩ tuyên bố "đóng cửa biên giới và giới nghiêm toàn quốc".
Ông Bazoum được bầu làm Tổng thống Niger năm 2021, lên nắm quyền vào thời điểm quốc gia này đang chìm trong nghèo đói. Kể từ khi giành độc lập năm 1960, tại Niger đã xảy ra 4 cuộc đảo chính và nhiều âm mưu giành quyền lực khác.