Theo ông Dujarric, trong nhiều tháng qua, TTK LHQ A. Guterres và Ban cố vấn pháp luật của LHQ đã liên tục bày tỏ quan ngại cũng như quan điểm pháp lý của LHQ với các đại diện cấp cao Mỹ. Ông nói: "TTK LHQ và nhóm của ông sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề này".
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban LHQ về quan hệ với nước chủ nhà, trong các cuộc họp ủy ban này, Nga, Cuba và Syria nằm trong những nước thành viên nêu vấn đề chính quyền Washington trì hoãn cấp thị thực.
Trước đó, ngày 8/12, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với các nhân viên ngoại giao nước ngoài tới dự họp tại trụ sở của LHQ ở New York đồng thời "bày tỏ đặc biệt quan ngại về việc (Mỹ) không cấp thị thực cho các đại diện của một số quốc gia thành viên nhất định".
Các nhà ngoại giao cho biết dù không nêu tên các quốc gia cụ thể, song nghị quyết chủ yếu nhắm vào những hạn chế mà Mỹ áp đặt đối với các nhà ngoại giao Iran, cũng như việc từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Nga dự hội nghị thượng đỉnh LHQ tại trụ sở cơ quan này ở New York hồi tháng 9 vừa qua.
Kể từ mùa Hè năm nay, các nhà ngoại giao và Ngoại trưởng Iran đã bị hạn chế đi lại một cách nghiêm ngặt khi tới Mỹ. Họ chỉ được phép di chuyển ở khu vực hạn chế xung quanh trụ sở LHQ tại New York, phái bộ Iran và nơi ở của Đại sứ Iran tại Mỹ.
Vào tháng 9, khi tới Mỹ tham dự kỳ họp của ĐHĐ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã phàn nàn ông không thể tới thăm Đại sứ Iran tại một bệnh viện của Mỹ. Cũng trong thời gian này, 18 thành viên thuộc phái đoàn Nga đến New York dự kỳ họp của ĐHĐ đã không được nhà chức trách Mỹ cấp thị thực.
Theo các nhà ngoại giao LHQ, trong bữa ăn trưa được Nhà Trắng tổ chức vào đầu tháng này cho các nước thành viên của HĐBA, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc từ chối cấp thị thực cho các nhà ngoại giao sẽ làm tổn hại tới hình ảnh của Mỹ với tư cách là nước chủ nhà.
Việc từ chối cấp thị thực cho các nhà ngoại giao đã dẫn tới sự chậm trễ trong công việc của các ủy ban liên quan. LHQ đang xem xét khả năng tổ chức các phiên họp tại Geneva (Thụy Sĩ) hoặc Vienna (Áo) vào năm 2020 nếu vấn đề này vẫn tiếp diễn.