Phát biểu với kênh tin tức Sky News Arabia ngày 28/9, ông Aboul-Gheit cho rằng việc Irael đóng băng quá trình sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine là sự kiện lớn. Theo ông, nếu không có thỏa thuận này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể sẽ tiếp tục kế hoạch sáp nhập trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11.
Ngày 15/9 vừa qua, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel với UAE và Bahrain. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ký thỏa thuận với Ngoại trường UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani. Như vậy, đến nay đã có 4 nước Arab có quan hệ chính thức với Israel là Ai Cập, Jordan, UAE và Bahrain.
Ngày 22/9, Palestine tuyên bố rút khỏi vai trò Chủ tịch luân phiên của Arab để phản đối động thái trên của UAE và Bahrain. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 28/9 tái khẳng định lập trường kiên quyết ủng hộ sự nghiệp của người dân Palestine.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Ai Cập dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Shoukry trong cuộc gặp Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Fatah (FCC) Jabril Ragoob tại thủ đô Cairo, nhấn mạnh Ai Cập ủng hộ các quyền chính đáng của người dân Palestine nhằm xây dựng Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem, phù hợp với các nghị quyết và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng hoan nghênh những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình, an ninh và ổn định cho Palestine.
Về phần mình, quan chức Palestine đánh giá cao việc Ai Cập tiếp tục ủng hộ các quyền của người Palestine, cũng như vai trò trung tâm của Cairo trong nỗ lực thu hẹp những khác biệt giữa các phe phái và tiến tới mục tiêu hòa giải tại Palestine. Bên cạnh đó, ông Ragoob bày tỏ hy vọng các nước Arab sẽ tiếp tục giúp đỡ Palestine trên 2 phương diện, bao gồm ủng hộ sáng kiến Hòa bình Arab do Saudi Arabia đề xuất năm 2002 và hỗ trợ tài chính cho người dân Palestine.