Tổng thư ký Liên hợp quốc quan ngại về rò rỉ phóng xạ ở Thái Bình Dương

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 16/5 bày tỏ quan ngại một vòm bê tông được xây dựng từ thế kỉ 20 để phong tỏa các chất thải từ các vụ thử bom nguyên tử đang rò rỉ chất phóng xạ ra Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Phát biểu với các sinh viên tại Fiji, ông Guterres gọi cấu trúc trên đảo san hô Enewetak thuộc quần đảo Marshall là một loại "quan tài", cho rằng đây là di sản của các vụ thử hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh tại Thái Bình Dương, ám chí đến các vụ nổ hạt nhân do Mỹ và Pháp tiến hành trong khu vực này. Ông Guterres, người đang có chuyến công du Thái Bình Dương để nâng cao nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh người dân khu vực này vẫn cần giúp đỡ để giải quyết tình trạng nhiễm phóng xạ của các vụ thử hạt nhân. TTK LHQ lưu ý: "Hậu quả của các vụ thử này rất nghiệm trọng, đối với sức khỏe, đối với việc gây nhiễm xạ biển tại một số vùng".

"Quan tài" hạt nhân mà ông Guterres đề cập đến được xây dựng cuối thập niên 1970 trên đảo Runit, một phần của đảo san hô vòng Enewetak, như là nơi chứa chất thải từ các vụ thử hạt nhân. Đất và tro phóng xạ từ các vụ nổ được đổ vào một chiếc hố và được bịt lại bằng một vòm bê tông dày 45 cm. Tuy nhiên, đây chỉ được xem như cố định tạm thời và đáy của chiếc hố không kín dẫn tới lo ngại chất thải có thể rò rỉ ra Thái Bình Dương.

Các vết rạn nứt trên bê tông đã xuất hiện sau nhiều thập kỷ và có những quan ngại vòm này có thể bị vỡ nếu bị tác động của một cơn lốc nhiệt đới. Ông Guterres không trực tiếp nêu giải pháp, nhưng nhấn mạnh rằng lịch sử hạt nhân của Thái Bình Dương cần được giải quyết. Ông Guterres nêu rõ: "Nhiều việc cần phải làm đối với các vụ nổ diễn ra tại quần đảo Marshall và Polynesia của Pháp. Điều này liên quan đến vấn đề sức khỏe, tác động tới các cộng đồng và các khía cạnh khác. Tất nhiên, có những vấn đề bồi thường và các cơ chế cho phép giảm thiểu các tác động này".

Tại quần đảo Marshall, nhiều cư dân đảo bị buộc phải di dời và tái định cư trong khi hàng nghìn người bị phơi nhiễm phóng xạ. Đảo quốc này là địa điểm tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân của Mỹ giai đoạn 1946-1958 ở các đảo san hô vòng Bikini và Enewetak, khi nơi này còn nằm dưới sự cai trị của Mỹ. Trong đó đáng chú ý có vụ thử bom hydro Bravo năm 1954, loại bom mạnh nhất được Mỹ kích nổ, gấp khoảng 1.000 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.

Thúc Anh (TTXVN)
Lo ngại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên rò rỉ phóng xạ
Lo ngại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên rò rỉ phóng xạ

CHDCND Triều Tiên khẳng định rằng hoạt động thử hạt nhân tại Punggye-ri không đe dọa tới môi trường hoặc gây rò rỉ phóng xạ. Song truyền thông quốc tế vẫn hoài nghi về điều này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN