Ngày 15/11, Pháp đã nêu lên khả năng cung cấp vũ khí mang tính phòng thủ cho phe đối lập tại Syria. Tuy nhiên, Nga phản đối mạnh mẽ, cho rằng hành động như vậy sẽ "vi phạm luật pháp quốc tế" trong khi Mỹ tỏ ra thận trọng trước vấn đề này.Tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng cần xem xét loại bỏ vũ khí mang tính phòng thủ khỏi lệnh cấm vận vũ khí hiện nay mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Syria để giúp phe đối lập chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Phát biểu trên Đài phát thanh RTL, Ngoại trưởng Fabius tiết lộ vấn đề sẽ được nêu ra vì liên minh đối lập tại Syria đã đề nghị Pháp như vậy.
Trước đó, ngày 13/11, Pháp cũng là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận "Liên minh các lực lượng đối lập và cách mạng Syria" (hay còn gọi là Liên minh Dân tộc) mà các nhóm đối lập Syria mới thành lập là "đại diện duy nhất" của người dân nước này.
Lực lượng đối lập Syria giao tranh với binh sĩ Chính phủ tại Karm al-Tarab, khu vực lân cận thành phố Aleppo 47km về phía bắc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, quan điểm này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ Mátxcơva. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết một số nước đã cam kết cung cấp số lượng lớn vũ khí hiện đại cho phe đối lập Syria và sự giúp đỡ từ bên ngoài để một lực lượng đối lập tiến hành chiến tranh vũ trang chống một chính phủ hợp pháp như vậy là "một sự vi phạm thô bạo các tiêu chuẩn cơ bản của luật pháp quốc tế".
Người phát ngôn này nhấn mạnh những động thái gần đây của cuộc khủng hoảng Syria, trong đó có việc phe đối lập từ chối đối thoại với Tổng thống Assad, là hoàn toàn đi ngược lại kế hoạch hòa bình Geneve của cựu Đặc phái viên quốc tế Kofi Annan.
Trước đó, ngày 14/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đánh giá cần ưu tiên chấm dứt bạo lực tại Syria hơn là thành lập liên minh đối lập.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra thận trọng, nhấn mạnh Washington hoan nghênh liên minh đối lập mới hình thành song chưa sẵn sàng công nhận hoàn toàn. Ông nói: "Một trong những điều chúng ta phải cảnh giác là chúng ta sẽ không gián tiếp cung cấp vũ khí cho những đối tượng có thể sẽ làm hại người Mỹ".
Trong khi đó, tại Luân Đôn, các Bộ trưởng cũng như quan chức quốc phòng Anh đã nhóm họp ngày 15/11 để thảo luận về các giải pháp ngoại giao, nhân đạo cũng như quân sự của nước này đối với vấn đề Syria.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết Hội đồng An ninh quốc gia đã họp và thảo luận về tình hình đang ngày càng tồi tệ tại Syria. Tuy nhiên, ông không tiết lộ cụ thể những giải pháp được bàn đến. Theo truyền thông Anh, trong số đó có thể có việc áp đặt vùng cấm bay cũng như cung cấp vũ khí phòng không cho phe đối lập Syria.
Ngày 15/11, láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ đã công nhận liên minh đối lập mới ở Syria là "đại diện hợp pháp duy nhất" cho người dân Syria.
TTXVN/Tin tức