Theo kênh RT, Nga đã thảo luận với Anh và Mỹ ở cấp tổng tham mưu trưởng về mối đe dọa Ukraine có khả năng sử dụng “bom bẩn”. Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov, đã nêu những lo ngại này của Nga trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley. Trước đó, ông đã có cuộc điện đàm tương tự với người đồng cấp Anh là Đô đốc Tony Radakin.
Ngày 23/10, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng đã bày tỏ lo ngại Ukraine có thể sử dụng “bom bẩn” trong cuộc xung đột hiện nay.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho rằng Ukraine muốn coi Nga là khủng bố hạt nhân bằng cách cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và do đó Ukraine có thể phát động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố rằng việc phương Tây không tin vào kịch bản này không làm cho mối đe dọa trở nên bớt cấp bách hơn.
Ukraine đã bác bỏ cáo buộc trên của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng bên duy nhất có khả năng tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân là chính Nga.
Ông Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho biết ông đã có lời mời chính thức tới các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc để xác nhận một cách độc lập rằng Ukraine không có gì phải che giấu.
Nga đã cảnh báo các quốc gia phương Tây từ lâu rằng Ukraine định dùng “bom bẩn” để cáo buộc Nga. Tuy nhiên, phương Tây phần lớn vẫn bác bỏ những cảnh báo như vậy.
Trong khi đó, theo Washington Post ngày 24/10, Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên xung đột kiềm chế. Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đã nói trong một cuộc họp báo ngày 23/10 rằng tất cả các bên nên tránh hành động có thể dẫn đến tính toán sai lầm hoặc leo thang thêm cuộc xung đột vốn đã tàn khốc.
Ngoại trưởng Mỹ, Pháp và Anh cho biết trong một tuyên bố chung sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra tuyên bố về “bom bẩn”: “Tất cả chúng tôi đều bác bỏ những cáo buộc sai lầm rõ ràng của Nga rằng Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn trên lãnh thổ của mình”.
Các nhà ngoại giao phương Tây nói thêm: “Thế giới sẽ thấy rằng mọi nỗ lực sử dụng cáo buộc này là cái cớ để leo thang”.
Hiện chưa xác minh được cáo buộc của bên nào. Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định “Điện Kremlin có thể không chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng bom bẩn”. Thay vào đó, viện này cho rằng ông Shoigu có thể đã tìm cách làm chậm hoặc đình chỉ viện trợ quân sự mà phương Tây dành cho Ukraine và có thể làm suy yếu liên minh NATO với cáo buộc của mình.
Tuyên bố của ông Shoigu rằng Ukraine sẽ sử dụng một quả bom bẩn là đặc biệt nhạy cảm vì Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994 để đổi lấy đảm bảo từ Nga rằng họ sẽ không tấn công Ukraine.
Các tuyên bố của phía Nga được đưa ra khi các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang một chương mới, nhất là sau khi xảy ra vụ nổ làm hư hỏng cầu Crimea.
Nga đã trả đũa vụ này một cách mạnh mẽ khi tấn công lớn nhằm vào thủ đô của Ukraine và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này trước mùa đông.
Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo sử dụng mọi phương tiện sẵn có để bảo vệ lãnh thổ của Nga. Ông nói: “Tôi muốn nhắc các vị rằng đất nước của chúng tôi cũng có nhiều phương tiện hủy diệt khác nhau… và khi toàn vẹn lãnh thổ đất nước chúng tôi bị đe dọa, để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng mọi phương tiện theo ý mình”.
Ngay sau đó, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đã viết trên Telegram rằng: “Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết”. Tuy nhiên, ông nói rằng Nga sẽ chỉ làm như vậy trong khuôn khổ cho phép của chính sách hạt nhân.
Bom bẩn được làm bằng chất nổ và chất phóng xạ thông thường, được thiết kế để phát tán vật chất khi chúng phát nổ. Bom bẩn không phải là vũ khí hạt nhân và không giống với những quả bom nguyên tử mà Mỹ sử dụng ở Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Những quả bom bẩn có sức công phá kém hơn rất nhiều.
Chất nổ trong một quả bom bẩn có khả năng gây hại cho con người hơn chất phóng xạ bên trong. Mục tiêu của sử dụng bom bẩn có thể không phải là hủy diệt tối đa, mà là một nỗ lực để gây sợ hãi và hoảng sợ, làm ô nhiễm xung quanh và gây tốn chi phí khi dọn dẹp.