Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), ông Wu Xiuming, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cố vấn phát triển Sơn Tây, một tổ chức phi chính phủ miền trung Trung Quốc, chuyên nghiên cứu phát triển xã hội, đã kêu gọi chính quyền khẩn trương giải quyết tình trạng gia tăng số người chưa kết hôn. Ông cho rằng nên khuyến khích phụ nữ độc thân ở thành thị về nông thôn, nơi có hàng triệu đàn ông chưa lập gia đình, để tìm kiếm người bạn đời phù hợp.
Ông kêu gọi phụ nữ không nên "cảm thấy sợ hãi khi đến sinh sống ở các làng quê".
Ở Trung Quốc, "sheng nu", hay “phụ nữ độc thân”, là một thuật ngữ dùng để chỉ những phụ nữ chưa kết hôn, thường là những phụ nữ trên 27 tuổi sống ở thành thị và có học vấn cao.
Đề xuất của ông Wi nhanh chóng gặp phải chỉ trích của nhiều người. Nhiều người bình luận trên mạng xã hội nói rằng điều này không phù hợp với thực tế.
“Suy nghĩ thế nào mà có thể đưa ra một ý tưởng như vậy? Ông không thấy sự chênh lệch quá lớn giữa hai nhóm này sao? Về cơ bản, họ đang sống trong hai vũ trụ song song. Việc giao tiếp giữa hai nhóm rất khó khăn ”, một người viết trên Weibo, nói.
"Ngay cả phụ nữ ở nông thôn cũng không muốn kết hôn với những người đàn ông sống ở nông thôn, nói gì tới phụ nữ ở thành thị. Ông có nghĩ phụ nữ thành thị có muốn lấy chồng ở nông thôn không?", một người khác viết.
Sharon Sun, một phụ nữ độc thân tuổi làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Thượng Hải, cho biết cô sẽ không coi đàn ông nông thôn là đối tượng tiềm năng.
“Tôi không thể hẹn hò với một người đàn ông nông thôn. Điều đó sẽ không xảy ra ngay cả khi không còn đàn ông nào trên thế giới này, ”cô nói.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nhất thế giới, với 114 nam/100 nữ giới. Điều này dẫn đến dân số nam nhiều hơn nữ khoảng 30 triệu người, theo dữ liệu từ Statista, một nhà cung cấp dữ liệu quốc tế. Trong khi đó, tỉ lệ chênh lệch giới tính trung bình trên toàn cầu là khoảng 105 bé trai/100 bé gái, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là kết quả của chính sách một con và quan điểm “trọng nam khinh nữ” trong xã hội. Mãi tới gần đây, chính sách một con mới được hủy bỏ.
Tình trạng mất cân bằng giới tính đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực nông thôn, nơi phụ nữ thường kiếm việc làm và tìm người kết hôn ở thành phố. Việc tìm vợ của đàn ông nông thôn còn khó khăn hơn nhiều bởi kỳ vọng đàn ông phải có khả năng tài chính cao hơn vợ tương lai.
Một báo cáo tuần trước của Tân Hoa xã cho biết đàn ông ở các vùng nông thôn tại các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc phải bỏ ra số tiền lên tới 1 triệu nhân dân tệ (155.000 USD) khi cầu hôn. Khoản tiền này được coi như tiền khoản đãi cô dâu, cũng như để mua nhà và xe hơi cho gia đình nhà gái.
Với số lượng phụ nữ ít hơn nhiều so với nam giới, việc tranh giành để có được một người vợ ở các vùng nông thôn rất khốc liệt.
Liu Xuan, một công nhân nhập cư 26 tuổi đã trở về quê ở huyện Dancheng, tỉnh Hà Nam vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, cho biết anh đã trải qua nhiều cuộc hẹn hò với mong muốn tìm kiếm một người vợ.
“Các chàng trai trong làng chúng tôi phải xếp hàng để hẹn hò, nhưng các cô gái dường như rất kén chọn”, Liu nói.
Bên cạnh đề xuất của ông Wu, nhiều người cho rằng chính phủ nên đầu tư vào đào tạo nghề cho “sheng nan”, những người đàn ông ở độ tuổi 30 chưa tìm được vợ.
Vấn đề cân bằng giới cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Ví dụ, chính phủ nên đào tạo kỹ năng nghề cho những người đàn ông chưa kết hôn ở nông thôn và đưa họ đến các khu vực có mật độ phụ nữ cao.
Lu Dewen, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, cho rằng giải pháp mai mối của ông Wu đã không xét đến tất cả những lý do khiến nhiều người vẫn độc thân.
Ông Lu nói rằng mặc dù đàn ông nông thôn vẫn độc thân chủ yếu vì áp lực tài chính đặt ra với họ. Tuy nhiên, điều đó không phù hợp với phụ nữ thành thị độc thân ngày nay. Những người này đang có xu hướng lựa chọn cuộc sống cô đơn. Họ có học thức cao và có cuộc sống khá giả, phụ nữ thành thị độc thân đang tận hưởng vị thế độc lập của mình và không sẵn sàng hy sinh điều này để kết hôn và sinh con.
"Vì vậy, đề xuất hướng phụ nữ thành thị về nông thôn nghe có vẻ xa vời", ông nói.