Trước đó một ngày, Thượng viện Mỹ đã “bật đèn xanh” cho dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin thuộc đảng Dân chủ đại diện cho bang West Virginia, đã đưa ra một khuyến cáo ngay sau khi Thượng viện ngày 11/8 đã thông qua dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD sau nhiều tháng trì hoãn. Đây được xem là một chiến thắng đáng kể cho Tổng thống Joe Biden và là bước đầu tiên trong ưu tiên lập pháp hàng đầu của ông.
Ông Manchin, người thường xuyên đóng vai trò như một cầu nối giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, bày tỏ lo ngại về "những hậu quả nghiêm trọng" đối với gánh nặng nợ quốc gia, cũng như khả năng ứng phó của Washington đối với một cuộc khủng hoảng tiềm năng khác.
Những lo ngại đó theo sau lời khuyến cáo của Thượng nghị sĩ Dân chủ Kyrsten Sinema rằng bà không ủng hộ mức chi tiêu 3.500 tỷ USD, nhưng vẫn sẵn lòng cùng làm việc để phát triển một giải pháp thay thế cho dự luật.
Kế hoạch chi tiêu khổng lồ ưu tiên giải quyết các vấn đề mà đảng Dân chủ đánh giá là quan trọng, bao gồm cải cách hệ thống nhập cư, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ tạo ra các chương trình an sinh xã hội như giáo dục mầm non và trợ cấp chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, các thành viên theo xu hướng tiến bộ tại Hạ viện Mỹ đã cảnh báo họ sẽ không ủng hộ dự luật chi tiêu trên, trừ khi kiếm đủ nguồn tài trợ cho những mục tiêu đó.
Cả hai nghị sĩ Manchin và Sinema đều bỏ phiếu cho hai gói chi tiêu trên. Nhưng tới mùa Thu này, khi các cuộc đàm phán đi sâu vào việc triển khai chúng thế nào, hai nhà lập pháp có thể làm “dậy sóng” cuộc tranh luận nếu họ và các thành viên đảng Dân chủ thiên hướng trung lập cố gắng thu hẹp chi tiêu.
Lãnh đạo Đa số tại Hạ viện, nghị sĩ Dân chủ Steny Hoyer cho biết cơ quan này sẽ đình chỉ kỳ nghỉ hè vào ngày 23/8 để xem xét các đề xuất về ngân sách.
Những tranh luận đã "âm ỉ" trong nhiều tháng, từ trước khi các khoản ngân sách được thông qua. Các nghị sĩ trung lập đã kêu gọi Hạ viện nhanh chóng bỏ phiếu cho gói cơ sở hạ tầng. Những dự luật 1.000 tỷ USD này đang đối mặt với nhiều khó khăn tại Hạ viện, khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố chưa thể thúc đẩy dự luật cho đến khi Thượng viện thông qua gói chi tiêu 3.500 tỷ USD.
Bà Pelosi và nhóm nghị sĩ theo xu hướng tiến bộ muốn dự luật cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD và 3.500 tỷ USD chi tiêu bổ sung đều được thông qua song song để đảm bảo rằng cả hai đều “qua ải” thành công.
Đảng Cộng hòa đã cùng lên tiếng không ủng hộ kế hoạch chi tiêu 3.500 tỷ USD. Ngoài ra, hàng chục thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã ký một lời kêu gọi không bỏ phiếu nâng mức trần nợ công của quốc gia khi Washington dự kiến sẽ đạt mức trần hiện nay vào mùa Thu, như một cách để ngăn chặn kế hoạch chi tiêu của đảng Dân chủ.
Trong một cuộc họp tại Hạ Viện, bà Pelosi đã phản ứng lại với động thái của phía đảng Cộng hòa và nói rằng việc nâng trần nợ công sẽ hỗ trợ cho cả những khoản chi tiêu trong quá khứ.
Các khoản vay của nước Mỹ đã tăng thêm gần 40% lên gần 28.000 tỷ USD dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chủ yếu do chính sách cắt giảm thuế trong năm 2017 cùng những khoản chi liên quan đến đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Thất bại trong việc tăng hoặc đình chỉ việc giới hạn nợ theo luật định – hiện ở mức 28.500 tỷ USD - có thể kích hoạt một đợt đóng cửa các cơ quan thuộc chính phủ liên bang hoặc vỡ nợ.