Cựu người mẫu chuyển sang
doanh nhân Cozete Gomes đang sở hữu 8 công ty làm ăn phát đạt và thực sự không
còn thời gian nào để chờ đợi trong những đám tắc đường kinh niên ở Sao Paulo.
Tại “thủ phủ” kinh tế khổng
lồ này của Brazil, nơi sinh sống của 20 triệu cư dân, hàng loạt vị triệu phú mệt
mỏi với những nút cổ chai “ác mộng” trên đường, đang chuyển sang đi lại bằng đường
không nhờ phi đội máy bay trực thăng ngày một tấp nập trên bầu trời thành phố.
Cựu nữ hoàng sắc đẹp, người mẫu Cozete Gomes giờ bận rộn với công việc kinh doanh và trực thăng là phương tiện đi lại không thể thiếu.
|
“Với tôi, trực thăng là
công cụ cần thiết”, Gomes nói với AFP trong lúc chiếc trực thăng của cô thoải
mái bay phía trên những con phố đông đúc để tới khu nghỉ dưỡng Campos de
Jordao, phía đông bắc Sao Paulo, nơi được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Brazil”. “Tôi
dùng trực thăng hằng ngày, trong công việc, các cuộc họp. Phương tiện này khiến
cuộc sống của tôi thuận lợi hơn nhiều”, nữ triệu phú cho biết.
Theo thống kê có 420 chiếc
máy bay trực thăng đã được đăng ký ở thành phố Sao Paulo, con số cao thứ hai
trên thế giới chỉ sau New York của Mỹ. Với tài sản ròng ước tính 125 triệu USD,
triệu phú 41 tuổi, Gomes chỉ là một nhân vật trong nhóm siêu giàu ở Sao Paulo -
những người hoặc là sở hữu trực thăng cá nhân, hoặc sẵn sàng thuê chúng với giá
1.300 USD/giờ.
Mỗi ngày, có tới 500 chuyến
bay trực thăng tại Sao Paulo.
Số lượng và mật độ các chuyến bay ngày càng tăng đã khiến thành phố hiện có tới
193 sân bay trực thăng. Sân lớn nhất, Helicicade, tuyên bố khách hàng của họ là
gần 80 chiếc trực thăng được sở hữu bởi các cá nhân hoặc công ty tư nhân.
“Kinh doanh trực thăng ở Brazil đã phát triển với tốc độ khoảng 20%/năm
trong những năm gần đây”, Carolina Denardi, phát ngôn viên Hiệp hội phi công trực
thăng Brazil,
cho biết.
Trên cả nước, thì Brazil sở hữu trên 1.900 chiếc trực thăng, bao gồm
gần 700 chiếc riêng tại bang Sao Paulo.
Tính trung bình, mỗi năm có trên 300 giấy phép điều hành trực thăng được cấp trong
3 năm qua.
Những đường phố đông đúc luôn là cơn "ác mộng" với giới doanh nhân Brazil.
|
Trong khi hầu hết cư dân
Sao Paulo phải chật vật để đi lại trong thành phố, thì tầng lớp giàu có nhẹ
nhàng bay lượn trên đầu họ, hướng tới các resort hay những cuộc họp kinh doanh.
Theo Báo cáo Thịnh vượng năm 2013 của Wealth-X (một công ty thu thập thông tin
về tài sản có trụ sở tại Singapore), năm 2012, Sao Paulo là nơi sinh sống của
1.880 cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD. Con số này được dự báo sẽ tăng lên
4.556 người vào năm 2022. Wealth-X cũng nhận diện 50 người Brazil có tài sản ròng trên 1 tỉ
USD.
Còn theo tạp chí Forbes,
người giàu nhất Brazil
là ông trùm ngành bia, Jorge Paulo Lemann, 73 tuổi, với tài sản 17,8 tỉ USD. Tiếp
theo là chủ nhà băng 74 tuổi Joseph Safra với 15,9 tỉ USD.
Thu Hằng (Theo AFP)