Trao đổi vaccine COVID-19 giữa các nước giúp giải quyết nỗi khan kiếm

Khi việc phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu vẫn nghiêng nhiều về một số quốc gia giàu, những quốc gia khác đang nỗ lực ký thỏa thuận hoán đổi tạm thời các liều sắp hết hạn sử dụng.

Chú thích ảnh
Người dân Australia xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại công viên Sydney Olympic. Số vaccine sắp quá hạn của Anh đang phát huy hiệu quả tại Australia nhờ thỏa thuận trao đổi giữa hai nước. Ảnh: Reuters

Hồi đầu tháng 9, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thông báo về thỏa thuận trao đổi 4 triệu liều vaccine Pfizer với Anh, đủ để tiêm đủ liều cho 8% dân số Australia. Và quốc gia này sẽ gửi trả Anh số lượng vaccine tương đương trong năm nay. “Xứ sở chuột túi” cũng đạt thỏa thuận trao đổi 500.000 liều với Singapore hồi cuối tháng 8. 

Ngoài việc giúp kiềm chế đại dịch COVID-19, những thỏa thuận trao đổi như vậy có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên: tận dụng vaccine tránh lãng phí, cải thiện mối quan hệ song phương và đưa các bên tiến gần hơn đến việc mở lại biên giới.

Australia đang theo đuổi con đường ngoại giao vaccine vì chiến dịch tiêm chủng của nước này đã tụt hậu so với các nước phát triển khác, với chỉ khoảng 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Ngay cả khi phong tỏa nhiều tháng khiến nền kinh tế bị đè nặng, số ca mắc COVID-19 gần đây ở Australia đã tăng lên mức cao nhất. Canberra đang tìm cách nhanh chóng tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Mỹ và Trung Quốc, với tư cách là những nhà sản xuất vaccine hàng đầu, đang sử dụng nguồn cung của họ để tranh giành ảnh hưởng ngoại giao.

Một số cặp quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng khác nhau cũng đã đạt được thỏa thuận tương tự. Hàn Quốc với tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine khoảng 40% đã ký thỏa thuận hoán đổi vaccine với Israel - quốc gia đã tiêm đủ liều cho hơn 60% dân số. Thái Lan cũng vừa nhận vaccine của Bhutan vào tháng 8. Brunei và Singapore cũng trao đổi vaccine vào tháng 9.

Thỏa thuận như vậy có thể xem như là “đôi bên cùng có lợi”. Ví dụ, Israel không phải vứt bỏ vaccine sắp hết hạn vào cuối tháng 7, vừa khẳng định được hình ảnh với người Hàn Quốc. 

Ngoài ra, biện pháp hoán đổi này có thể hữu ích đối với các quốc gia đảm bảo được nguồn vaccine song có thể cần nhiều liều hơn trong tương lai để đáp ứng nhu cầu tiêm mũi thứ ba. 

Singapore bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường thứ ba sau khi tiêm đủ hai liều cho 80% dân số. Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng số vaccine dự kiến được Australia hoàn trả vào tháng 12 sẽ dùng để tiêm liều tăng cường cho người dân sau đó. 

Việc giúp quốc gia khác được tiếp cận vaccine cũng hứa hẹn đẩy nhanh hơn quá trình nối lại hoạt động đi lại xuyên biên giới. Hơn 1 triệu du khách Australia đã đến thăm Singapore vào năm 2019, trước khi xảy rađại dịch, đã mang lại nguồn thu nhập quý giá.

Một số quốc gia ở châu Phi - nơi tiến độ tiêm chủng còn chậm - đang chia sẻ lẫn nhau số vaccine mà họ nhận được thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ. Mạng lưới giao thông kém phát triển cùng tâm lý e ngại đi tiêm vaccine đã khiến nhiều liều vaccine có nguy cơ bị quá hạn sử dụng. 

Kenya đã được phân bổ 72.000 liều mà Nam Sudan trả lại hồi tháng 5 do lo ngại rằng chúng sẽ hết hạn trước khi họ có thể đảm bảo khâu quản lý. Vào khoảng thời gian đó, phần lớn trong số 1,7 triệu liều vaccine mà COVAX phân phối cho Congo cũng được chuyển lại cho những nước khác như Ghana và Madagascar.

Hy vọng việc tái phân bổ vaccine sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại khu vực chỉ có ở khoảng 4% dân số được tiêm chủng đầy đủ này.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Nikkei )
Hành khách mở cửa thoát hiểm, đi bộ trên cánh máy bay tại Mỹ
Hành khách mở cửa thoát hiểm, đi bộ trên cánh máy bay tại Mỹ

Một hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không American Airlines đã mở cửa thoát hiểm và đi bộ trên cánh máy bay đang di chuyển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN