Một quan chức an ninh hàng đầu của Hàn Quốc ngày 7/4 cho biết, CHDCND Triều Tiên có thể sẽ thử tên lửa trong tuần này, trong khi đó nguồn tin từ Lầu Năm góc tiết lộ Mỹ đã hoãn thử tên lửa Minuteman 3 nhằm “hạ nhiệt” tình hình tại bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jang-Soo, Trưởng cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cho rằng Bình Nhưỡng có thể có thêm những hành động khiêu khích, bao gồm cả việc thử tên lửa vào trước hoặc sau ngày 10/4 tới, thời hạn cuối cùng Triều Tiên đưa ra yêu cầu các phái bộ ngoại giao nước ngoài sơ tán nhân viên khỏi quốc gia Đông Bắc Á này.
Tên lửa LGM-30 Minuteman 3 trưng bày tại căn cứ không quân Grand Folks (Mỹ). Ảnh: Internet |
Ông Kim Jang-Soo cũng cho biết, Hàn Quốc đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc này. Hiện chưa có dấu hiệu của một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng miền Bắc sẽ phải chuẩn bị cho sự trả đũa trong trường hợp có bất kỳ cuộc chiến tranh cục bộ nào. Theo ông Kim, hàng loạt lời đe dọa gần đây của phía Triều Tiên là nhằm hối thúc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye thay đổi chính sách cứng rắn của mình.
Mỹ không muốn “chọc giận” Triều Tiên?
Trong khi đó, các hãng tin quốc tế cuối tuần qua dẫn nguồn tin từ một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ - đề nghị không nêu danh tính cho biết, vụ thử tên lửa Minuteman 3 tại căn cứ không quân Vandenberg ở bang California đã lên kế hoạch từ lâu sẽ bị hoãn tới tháng 5.
Quan chức này cho rằng đây là quyết định "hợp lý, khôn ngoan và có trách nhiệm", đặc biệt là trong bối cảnh Triều Tiên dọa tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn trong thời gian gần đây. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng vụ thử tên lửa của Mỹ không liên quan gì đến Triều Tiên và Mỹ luôn trong tư thế sẵn sàng đáp trả bất kỳ đe dọa nào từ nước này.
Cũng trong ngày 7/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã ra lệnh cho lực lượng phòng vệ sẵn sàng bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong trường hợp tên lửa được phóng và có nguy cơ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.
Mặc dù Nhật Bản đã ba lần ra lệnh tương tự, nhưng lần này là lần đầu tiên một mệnh lệnh như vậy được phát ra trước khi Triều Tiên thông báo về vụ phóng tên lửa. Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho rằng mặc dù khả năng nhằm vào Nhật Bản không cao, nhưng Tôkyô cần chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ tình huống bất ngờ nào. Nguồn tin này cũng cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ không tuyên bố công khai lệnh này để tránh gây lo lắng cho dân chúng.
Phái bộ ngoại giao nước ngoài vẫn... án binh
Quyết định của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đã khuyến cáo các phái bộ ngoại giao nước ngoài đóng tại Triều Tiên sơ tán vì nước này không thể đảm bảo an toàn cho họ từ ngày 10/4. Tuy nhiên, tới ngày 7/4, các đại sứ quán nước ngoài tại Triều Tiên vẫn "án binh bất động".
Một loạt quốc gia như Anh, Đức, Thụy Điển... đều chưa có kế hoạch di chuyển ngay các đại diện ngoại giao của mình ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng. Đại sứ quán Mỹ tại Xơun đã gửi một thông điệp tới các công dân Mỹ ở Hàn Quốc rằng không có thông tin cụ thể nào cho thấy một mối đe dọa sắp xảy ra từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, Nga đang cân nhắc nghiêm túc đề nghị của Triều Tiên. Còn Trung Quốc cho biết đại sứ quán nước này tại Triều Tiên vẫn hoạt động bình thường và đề nghị Triều Tiên "đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Triều Tiên theo Công ước Viên, quy tắc và luật lệ quốc tế".
Thùy Dương(tổng hợp)