Theo trang mạng Bloomberg, dữ liệu hải quan mới nhất cho thấy Trung Quốc đã chi 18,9 tỷ USD để mua dầu, khí đốt và than đá của Nga trong 3 tháng tính đến cuối tháng 5, gần gấp đôi số tiền một năm trước đó. Trong khi đó, Ấn Độ chi 5,1 tỷ USD trong cùng kỳ, gấp hơn 5 lần giá trị một năm trước. Như vậy, hai quốc gia này đã chi 24 tỷ USD để mua năng lượng của Nga, tức là tăng thêm 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Động thái của Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp Nga bù đắp khoản doanh thu bị hụt khi Mỹ và một số quốc gia khác đã tạm dừng hoặc giảm mua năng lượng Nga. Các lệnh cấm đã đẩy giá các nguồn cung cấp thay thế tăng vọt và gia tăng lạm phát, có nguy cơ đẩy các nền kinh tế lớn vào suy thoái.
Bà Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, cho biết: “Về cơ bản, Trung Quốc đang mua mọi thứ mà Nga có thể xuất khẩu qua đường ống và các cảng ở Thái Bình Dương. Ấn Độ là người mua chính các loại hàng hóa ở Đại Tây Dương mà châu Âu không còn muốn mua nữa”.
Hoạt động tăng cường mua năng lượng Nga nói trên sẽ không sớm kết thúc, cho dù giá năng lượng cao hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái. Mức giá nói chung vẫn cao thậm chí kể cả khi Nga đã giảm giá mạnh hàng hóa để kích thích người mua.
Theo bà Myllyvirta, trên cơ sở khối lượng, lượng nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng chậm trong tháng 6, trong khi Ấn Độ có thể có động lực tăng cường mua hơn nữa trong những tháng tới khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu Nga có hiệu lực.
Theo nghiên cứu của bà Myllyvirta, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn xếp sau châu Âu về tổng doanh số trong năm nay. Tuy nhiên, lượng mua của châu Âu sẽ tiếp tục giảm khi lệnh cấm nhập khẩu than và dầu có hiệu lực và khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một số khách hàng châu Âu.
Nga có mối quan hệ thương mại và chiến lược lâu đời với Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài giảm giá mạnh, Nga cũng chấp nhận thanh toán bằng nội tệ để duy trì dòng chảy thương mại mạnh mẽ sang các nước này trong năm nay.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và có các đường ống chuyên dụng cho dầu và khí đốt ở Siberia. Ngay cả khi mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc bị hạn chế trong nửa đầu năm 2022 một phần do COVID-19, thì Trung Quốc cũng vẫn chi nhiều hơn để mua năng lượng Nga. Nguyên nhân là dù khối lượng mua giảm nhưng giá lại cao.
Số tiền Ấn Độ chi ra để mua năng lượng Nga sau cuộc chiến ở Ukraine còn đáng lưu ý hơn nhiều, vì nước này không có biên giới trên bộ với Nga và các cảng của nước này thường quá xa nên khó vận chuyển tiết kiệm chi phí.
Ấn Độ đã chi 8,8 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu và than đá từ ngày 24/2 đến ngày 30/6, nhiều hơn mức chi cho tất cả hàng hóa của Nga trong cả năm 2021.
Ngoài mua nhiều dầu và than, Ấn Độ còn nhập khẩu ba chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga kể từ khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu. Trong khi đó, năm ngoái, Ấn Độ chỉ nhập một chuyến hàng.
Ông Wei Cheong Ho, nhà phân tích của Rystad Energy, cho biết: “Trong lịch sử, Ấn Độ mua rất ít dầu của Nga, nhưng cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh cấm vận dầu có nguồn gốc từ Nga mà Liên minh châu Âu áp đặt đã dẫn đến tái cân bằng trong dòng chảy thương mại dầu”.