Ngoài số bệnh nhân là người dân, dịch bệnh COVID-19 (nCoV) cũng đã khiến 1.716 nhân viên y tế Trung Quốc bị nhiễm bệnh, trong số đó đã có 6 người đã tử vong (tính tới ngày 11/2). Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Tăng Ích Tân, con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trước tình hình này, nhà chức trách Trung Quốc ngày 13/2 đã chi 25,94 tỷ Nhân dân tệ (3,71 tỷ USD) để cải thiện các điều kiện làm việc của đội ngũ nhân viên y tế, cụ thể là để mua trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ, cũng như nâng cấp chất lượng tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Trong khi đó, tổng cộng 5.911 bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nCoV) đã hoàn toàn khỏi bệnh và được ra viện tính đến hết ngày 13/2. Riêng trong ngày 13/2 có 1.171 bệnh nhân được xuất viện. Giám đốc bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan) tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ông Trương Định Vũ kêu gọi các bệnh nhân COVID-19 (nCoV) đã khỏi bệnh hoàn toàn hãy hiến huyết tương cho các bệnh viện vì trong huyết tương này có những kháng thể có thể chống lại virus corona chủng mới. Theo chuyên gia trên, các kết quả sơ bộ cho thấy tính hiệu quả của việc sử dụng huyết tương người khỏi bệnh trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV.
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, chính phủ nước này đã đẩy mạnh hỗ trợ tài chính đối với các công ty nhỏ. Cụ thể, các ngân hàng đã đề xuất những khoản vay ưu đãi. Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một "kênh xanh" để hỗ trợ việc cấp tín dụng đột xuất cho các công ty tham gia công tác khống chế dịch bệnh.
Cùng ngày, Chính phủ Trung Quốc cũng đã mở kho dự trữ quốc gia, đưa ra thị trường 14.000 tấn thịt nhằm đảm bảo nguồn cung. Đây là lần thứ 6 trong năm nay, Bắc Kinh huy động thịt trong kho dự trữ quốc gia với tổng số thịt được lấy từ kho lên tới 130.000 tấn thịt.
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cho biết Hong Kong sẽ giải ngân 4,7 tỷ dollar Hong Kong (tương đương 605 triệu USD) hỗ trợ ngành y tế trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Bà cũng công bố các biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp và người dân.
Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, trong ngày 14/2, Singapore ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 67 trường hợp. Indonesia có trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus. Bệnh nhân là một nam sinh viên 19 tuổi đã được cách ly do có nhiều biểu hiện nghi nhiễm như liên tục khó khở và đau lưng sau khi trở về từ quốc gia láng giềng Malaysia.
Trong khi đó, tại Malaysia đã có thêm nhiều trường hợp khỏi bệnh. Cụ thể, 4 công dân Trung Quốc nhiễm COVID-19 (nCoV) đã hồi phục và được xuất viện tại bang Selangor của Malaysia. Trước đó, Malaysia cũng ghi nhận 3 trường hợp khỏi bệnh và được xuất viện, toàn bộ là các công dân Trung Quốc đến Malaysia du lịch.
Nhật Bản đang cảnh giác cao độ trước diễn biến mới của tình hình lây nhiễm nCoV ở nước này với số ca nhiễm mới tiếp tục tăng và đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên. Với tổng số ca nhiễm bệnh trên cả nước đã vượt con số 250 người, bao gồm 219 người trên tàu du thuyền Diamond Princess tính đến ngày 13/2. Chính quyền Nhật Bản đã quyết định đưa một số hành khách cao tuổi lên bờ trong ngày 14/2, và họ sẽ tiếp tục được cách ly cho đến hết thời gian quy định là ngày 19/2 tới.
Nhật Bản hiện là nước ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 (nCoV) cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14/2 quyết định sử dụng 10,3 tỷ Yen (tương đương 94 triệu USD) từ các quỹ dự trữ quốc gia để áp dụng các biện pháp đối phó.
Nhật Bản đã nâng mức khuyến cáo đi lại đối với người dân nước này đến thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc lên cấp độ 3, đồng nghĩa "tránh mọi hoạt động đi lại", do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi viện dẫn tỷ lệ nhiễm COVID-19 (nCoV) cao tại thành phố trên và việc giới chức sở tại đã bắt đầu hạn chế đi lại bên trong Ôn Châu là lý do để Tokyo đưa ra quyết định nêu trên. Ngoài ra, khuyến cáo đi lại của Nhật Bản đối với người dân nước này tới tỉnh Hồ Bắc, đang là tâm dịch, vẫn duy trì ở cấp độ 3 trong khi các khu vực còn lại của Trung Quốc ở mức độ 2, đồng nghĩa "tránh hoạt động đi lại không cần thiết".
Trong một diễn biến khác cùng ngày, 1.455 hành khách và 802 thủy thủ trên du thuyền MS Westerdam, đang neo tại cảng Sihanoukville của Campuchia, sẽ bắt đầu được lên bờ. Trước đó, được phép của chính quyền Campuchia, du thuyền đã cập cảng Sihanoukville từ ngày 13/2 để các quan chức Campuchia lên tàu thu thập mẫu xét nghiệm nCoV. Bộ Y tế Campuchia cho biết sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, không ai trên tàu có kết quả dương tính với nCoV, vì vậy các cơ quan chức năng Campuchia đã cho phép các hành khách được lên bờ vào sáng 14/2.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định số ca nhiễm COVID-19 (nCoV) bên ngoài Trung Quốc không tăng đến mức "thảm họa", trừ trên du thuyền Diamond Princess. Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phụ trách các biện pháp khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho biết: "Ngoài các trường hợp trên du thuyền Diamond Princess, chúng tôi không thấy sự gia tăng đến mức thảm họa số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc". Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng một nhóm chuyên gia đặc biệt của WHO sẽ đến Trung Quốc trong tuần này để hỗ trợ chống dịch.