Khi người biểu tình phản đối dự án khai thác mỏ đồng ở miền trung Myanmar và bắt 2 nhân viên nhà thầu Trung Quốc làm con tin, đó là dấu hiệu cho thấy tư tưởng bài Trung Quốc đã lan rộng ở Myanmar, bất chấp thực tế quốc gia Đông Nam Á này từng có cả thế kỉ phụ thuộc vào nguồn đầu tư từ nước láng giềng phía Bắc. Trang tin Asia Review (Nhật Bản) đã có bài bình luận về vấn đề này, nội dung như sau. Nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, trong đó có công ty Wanbao - chủ dự án khai thác mỏ Letpadaung, cuối cùng cũng nhận ra sự cần thiết phải có các bước đi chủ động nối kết với cộng đồng người bản địa. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng hành động này là quá muộn. “Tư tưởng bài Trung rõ ràng đang gia tăng ở Myanmar. Hơn thế, nó diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh doanh, chính phủ cho tới người dân bình thường ở các thành phố lớn”, Sean Turnell, một chuyên gia về Myanmar, nhà kinh tế học tại Đại học Macquarie (Australia) nhận định.
Người dân Myanmar tuần hành phản đối dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone. Ảnh: Reuters |
Theo ông, tâm lý này đôi khi chẳng có lý do nào cắt nghĩa một cách chính xác. Nó không hẳn là phản đối người dân hay chính phủ Trung Quốc, mà là nhằm vào các công ty nhà nước Trung Quốc “tham lam”. Những hợp đồng “kinh khủng” được các công ty này ký với chính quyền quân sự Myanmar trước đây giờ đã bắt đầu cho “trái đắng”. Và dĩ nhiên, cách hành xử theo kiểu coi Myanmar như là một “mỏ” cung cấp đá quý, quặng kim loại, gỗ rừng hiện không còn phù hợp nữa.
Biểu hiện rõ nhất của tư tưởng bài Trung Quốc ở Mynamar là ở dự án xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD, thuộc bang Kachin phía Bắc. Việc triển khai ồ ạt đã dẫn đến sự phản đối của công chúng hồi năm 2010, buộc chính quyền của Tổng thống Thein Sein dừng dự án này chỉ sau 6 tháng ông lên nắm quyền. Trên khắp đất nước Myanmar, những dự án dang dở do Trung Quốc đầu tư là điều không hiếm gặp.
Nguồn cơn phản khángHai nhân viên người Trung Quốc bị bắt làm con tin hôm 18/5 khi khảo sát gần mỏ Letpadaung, cùng với một đồng nghiệp người địa phương. Người này được thả một ngày sau đó, nhưng hai nhà thầu Trung Quốc kia thì vẫn bị giữ. Một nhóm tự phong mang tên “Mạng lưới an ninh Công cộng Yangon” đã yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động khai mỏ.
Vụ bắt cóc này chỉ là một trong hàng loạt các diễn biến phản kháng của cư dân địa phương đối với mỏ đồng - dự án liên doanh giữa Wanbao, một công ty con thuộc Tập đoàn vũ khí Phương Bắc (Norinco) của Trung Quốc, với Tập đoàn kinh tế Myanmar (UMEHL) – một tổ hợp thuộc quân đội nước này.
Việc mở rộng dự án hồi năm 2010 đã làm dấy lên những cáo buộc về việc thu hồi hàng loạt diện tích đất của người dân, với mức đền bù không thỏa đáng. Tháng 11/2012, lực lượng an ninh đã tiến hành chiến dịch trấn áp, làm bị thương hơn 100 người. Công việc triển khai bị ngưng trệ, nhưng lại được thúc đẩy vào năm ngoái, sau khi hợp đồng được thảo luận lại, dựa trên các khuyến nghị của một Hội đồng điều tra đặc biệt do thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi đứng đầu. Theo đó, chính quyền Myanmar (chứ không phải là Wanbao), sẽ nhận được 51% lợi tức, Wanbao 30% và UMEHL là 19%. Không những vậy, Wanbao còn phải cam kết dành 2% tổng lợi nhuận để chi cho các dự án an sinh xã hội. Thế nhưng, người bản địa vẫn nghi ngờ dự án này do Trung Quốc chi phối.
Và như thế, sự phản đối Trung Quốc ở cấp địa phương là đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong các hoạt động đầu tư nước ngoài ở Myanmar. Người dân phản kháng vì nhận thấy các dự án này không thực sự mang lại lợi ích cho họ.
Một số nhà quan sát nhìn nhận, việc Myamar tìm cách đa dạng hóa thu hút đầu tư, chú trọng lôi kéo các đối tác của Mỹ và châu Âu, mang một thông điệp chính trị nhằm vào Trung Quốc. Làn sóng phản đối ở các dự án Myitsone hay Letpadaung có thể sẽ cản trở dòng đầu tư từ Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á này.
Thực tế cũng đã minh chứng rõ. Các số liệu do Cơ quan Thống kê Trung ương Myanmar công bố cho thấy: Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Myanmar từ 4/2013-1/2014 chỉ là 46 triệu USD, bằng 12% so với cùng kì năm tài khóa trước (407) và giảm mạnh so với con số 4,3 tỉ USD trong 2 năm trước. Ngoài sự phản đối của người dân, thì việc truyền thông Myanmar đăng tải các thông tin về tiêu cực về xu hướng đầu tư và thương mại của Trung Quốc tại nước này cũng là nguyên nhân đưa đến thực trạng trên.
HT (Theo Asia Review)