Trước tình hình các nước G7 nhất trí lên kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, Điện Kremlin ngày 2/9 tuyên bố nước này sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia tham gia áp đặt giới hạn giá. Moskva cho rằng động thái trên sẽ dẫn đến sự bất ổn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
“Những công ty áp đặt giới hạn giá sẽ không nằm trong số khách hàng mua dầu của Nga. Chúng ta đơn giản là không hợp tác với họ theo các nguyên tắc phi thị trường”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Trước đó, ngày 2/9, các cường quốc công nghiệp phát triển G7 thông báo sẽ khẩn trương tiến tới áp giá trần đối với dầu nhập khẩu của Nga, trong bối cảnh họ đang tìm cách gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Moskva liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) vào đầu năm nay đã áp đặt lệnh cấm một phần đối với việc nhập khẩu dầu của Nga, và Brussels cho biết sẽ ngừng 90% dòng chảy nhập khẩu của Nga sang khối 27 thành viên này khi lệnh cấm có hiệu lực hoàn toàn.
Về phần mình, ông Dmitry Peskov cho rằng chính người dân châu Âu đang phải hứng chịu hậu quả của những lệnh cấm được áp đặt trên.
“Thị trường năng lượng đang ở giai đoạn sôi sục. Điều này chủ yếu xảy ra ở châu Âu, nơi mà các biện pháp chống lại Nga đã dẫn đến tình trạng châu Âu đang phải mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ với giá rất cao”, ông Peskov nói.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trước khi Nga phát động chiến dịch ở nước láng giềng Ukraine hồi tháng 2, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng xuất khẩu dầu mỏ và dầu thô của Nga.
Trong năm 2021, mỗi ngày, EU nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm hóa dầu và 0,5 triệu thùng dầu diesel, với Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.