Phát biểu tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ: “Bất chấp các quyền hợp pháp và lợi ích của tất cả các bên, Mỹ đã tung đòn trừng phạt một cách bừa bãi, một hành động vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/9 đã tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan tới Iran đối với 5 cá nhân và 6 thực thể Trung Quốc, trong đó có hai công ty con của Tập đoàn Vận tải Cosco.
Nguồn tin cho biết các lệnh trừng phạt nhằm vào Shipping Tanker Co và Shipping Tanker Seaman and Ship Management Co Ltd, song không áp dụng đối với tập đoàn mẹ là Cosco.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới của Mỹ cũng nhắm vào các thực thể Trung Quốc gồm Concord Petroleum Co, Kunlun Shipping Company Ltd, Kunlun Holding Company Ltd và Pegasus 88 Limited.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ quyết định trừng phạt vì các thực thể Trung Quốc cố tình giúp Iran xuất khẩu dầu mỏ. Phát biểu tại một sự kiện bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, ông Pompeo cho biết thêm Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực để cảnh báo các nước về rủi ro khi giao thương với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ ban bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc liên quan tới hoạt động thương mại dầu mỏ với Iran. Hồi tháng 7, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã trừng phạt Công ty Thương mại Dầu mỏ Zhuhai Zhengrong của Trung Quốc và Giám đốc điều hành công ty này là Youmin Li, sau khi báo Bloomberg đăng tải thông tin cho rằng Bắc Kinh phản ứng một cách cứng rắn với các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách tăng cường nhập khẩu dầu từ Iran.
Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang kể từ tháng 5/2018, khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tái áp đặt và ngày càng siết chặt trừng phạt Iran.
Căng thẳng có nguy cơ lên đỉnh điểm sau các vụ tấn công ngày 14/9 vừa qua vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, mà Washington và Riyadh đổ lỗi do Tehran đứng đằng sau. Iran đã bác bỏ mọi dính líu, đồng thời khẳng định sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công quân sự. Hiện nhiều nước phương Tây mong chờ Washington và Tehran có thể nối lại đàm phán để tháo gỡ những vấn đề hiện nay.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất ngày 25/9, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định khả năng về cuộc gặp giữa Tổng thống Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump là "con số không".
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran khẳng định lập trường của nước này muốn Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là điều kiện để Iran ngồi vào bàn đàm phán. Ông Zarif nhấn mạnh ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết các vấn đề và một cuộc gặp sẽ trao cho hai bên cơ hội.