Động thái này là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nguồn cung than, giữa lúc giá than thế giới tăng cao kỷ lục và tình trạng thiếu điện đã dẫn đến việc phải phân bổ nguồn điện trên toàn quốc, qua đó làm suy giảm sản lượng công nghiệp. Mức tăng sản lượng than được đề xuất sẽ chiếm gần 3% tổng lượng tiêu thụ than của Trung Quốc.
Trong một thông báo khẩn cấp ngày 7/10 vừa qua, Cục Quản lý năng lượng khu tự trị Nội Mông đã yêu cầu các thành phố Ô Hải, Ngạc Nhĩ Đa Tư và Hô Luân Bối Nhĩ, cũng như thị trấn Minh Tích Lâm Quách Lặc, thông báo cho 72 mỏ than rằng họ có thể hoạt động với công suất cao hơn quy định ngay lập tức, miễn là đảm bảo sản xuất an toàn.
72 mỏ than này hầu hết là các mỏ lộ thiên, trước đây có công suất khai thác là 178,45 triệu tấn/năm.
Theo tính toán của Reuters, với đề xuất tăng công suất thêm 98,35 triệu tấn, tổng công suất hàng năm của các mỏ than này sẽ được phép đạt tới 276,8 triệu tấn/năm.
Một quan chức của Cục Quản lý năng lượng Nội Mông đã xác nhận thông tin trên, song từ chối cho biết việc tăng sản lượng sẽ được phép kéo dài bao lâu.
Một thương nhân ở Bắc Kinh cho biết, động thái trên chứng tỏ Chính phủ Trung Quốc đang nghiêm túc trong việc tăng sản lượng than để giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng, đồng thời ước tính việc tăng sản lượng có thể mất tới 2 - 3 tháng để triển khai.
Nội Mông là khu vực sản xuất than lớn thứ hai của Trung Quốc, song sản lượng than của khu vực này trong năm 2020 chỉ đạt hơn 1 tỷ tấn, chiếm hơn 1/4 tổng sản lượng than cả nước. Sản lượng than của Nội Mông liên tục sụt giảm hàng tháng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, một phần do cuộc điều tra chống tham nhũng đối với lĩnh vực than.