Ngày 18/5, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang tấn công các công ty và nhà khoa học nước này như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự phát triển công nghệ của các nước khác.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ rõ Lực lượng tấn công công nghệ đột phá do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) thành lập vào tháng 2 vừa qua nhằm "lạm dụng cơ chế kiểm soát xuất khẩu".
"Mỹ đã chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề công nghệ, đồng thời tìm cách cản trở tiến bộ công nghệ của các nước khác", ông Uông nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ "tâm lý chiến tranh Lạnh lỗi thời" và "ngừng lạm dụng quyền tư pháp để nhắm mục tiêu vào các nhà nghiên cứu Trung Quốc".
Ông Uông khẳng định Bắc Kinh sẽ "bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc".
Bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi DOJ thông báo hôm 16/6 về việc hai cựu kỹ sư phần mềm, trong đó có một công dân Trung Quốc, đã bị bắt với cáo buộc đánh cắp tài liệu từ các công ty công nghệ Mỹ để "chuyển giao cho các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc".
Nhà Trắng đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ và sử dụng các công ty viễn thông như Huawei và dịch vụ chia sẻ video TikTok để tiến hành các hoạt động gián điệp. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng Mỹ cố gắng phá vỡ sự cạnh tranh trên thị trường công nghệ thông tin toàn cầu.
Trước đó, Montana đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cấm toàn diện ứng dụng truyền thông xã hội TikTok, trong đó qui định mỗi khi có người “có năng lực” tiếp cận hoặc tải xuống ứng dụng TikTok sẽ phạt 10.000 USD/ngày đối với các thực thể như kho ứng dụng hoặc TikTok - bên mang tới khả năng tiếp cận hoặc tải xuống ứng dụng TikTok cho người dùng.
Ngoài ra, TikTok cũng bị hạn chế ở ít nhất 25 bang khác của Mỹ và trong chính phủ liên bang, nơi đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị chính thức.
Trong khi đó, tập đoàn công nghệ Huawei đã bị đưa vào “danh sách đen thương mại” của Mỹ vào năm 2019, với hầu hết các nhà cung cấp Mỹ bị cấm vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho công ty này trừ khi họ được cấp giấy phép. Biện pháp này nhằm cắt đứt khả năng mua hoặc thiết kế chip bán dẫn cung cấp năng lượng cho hầu hết các sản phẩm của công ty Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang gia tăng khi họ cạnh tranh để thống trị các công nghệ chủ chốt, bao gồm cả chất bán dẫn. Hồi tháng 10/2022, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố các hạn chế sâu rộng đối với khả năng mua chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc, đưa các công ty của nước này vào danh sách để giám sát kỹ lưỡng hơn.