Trong nhiều tuần, ông Tập Cận Bình bị mặc kẹt ở giữa những cuộc phóng thử tên lửa liên lục địa của Triều Tiên và lời lẽ phẫn nộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump như
“lửa cháy và thịnh nộ”, “khóa mục tiêu và lên đạn”.
Trung Quốc đã khuyến khích các bên giữ bình tĩnh, đồng thời ủng hộ trừng phạt chặt chẽ hơn với Triều Tiên để ngăn chặn đe dọa về tấn công phủ đầu của Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: CNN |
Viễn cảnh xảy ra chiến tranh hạt nhân đã gây tranh cãi trong chính quyền Trung Quốc về việc liệu có nên duy trì hậu thuẫn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay không. Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Trung Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu xa rời nhau trong thập niên qua với Bắc Kinh duy trì phát triển kinh tế còn Bình Nhưỡng ngày càng thu mình lại.
Trung Quốc thường lên tiếng thể hiện mong muốn về một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, nhưng Bắc Kinh từ lâu luôn “day dứt” về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng bởi sự sụp đổ của chính quyền ông Kim Jong Un sẽ đồng nghĩa với mối đe dọa chiến lược lớn hơn.
Trung Quốc lo ngại rằng một khi chính quyền đương nhiệm của Triều Tiên bị lật đổ, quân đội Mỹ sẽ tràn sang gần hơn với biên giới nước này và Bình Nhưỡng thống nhất với Seoul thành một quốc gia đồng minh của Washington.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng bất an về các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc và Nhật Bản có thể đối trọng với khả năng quân sự của Bắc Kinh cũng như kịch bản Seoul và Tokyo tự tạo vũ khí hạt nhân để đối đầu với Triều Tiên.
Ông Zhu Feng tại Viện nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận định: “Tôi không biết nơi đâu là điểm giới hạn của Bắc Kinh nhưng quan điểm của tôi là Trung Quốc đang rõ ràng và thận trọng di chuyển về hướng của điểm bùng phát. Bất cứ động thái khiêu khích nào của chính quyền ông Kim Jong Un cũng sẽ đẩy Trung Quốc rời xa Triều Tiên và khoảng cách giữa hai quốc gia này thêm nới rộng hơn”.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) trước đó đã phác thảo về viễn cảnh này. Trong thời điểm căng thẳng vào tháng 4, tờ báo này đề xuất Trung Quốc nên cân nhắc cắt xuất khẩu dầu thô cho Triều Tiên.
Đến ngày 11/8, Thời báo Hoàn đăng bài cho rằng Trung Quốc cần vạch rõ trong trường hợp Triều Tiên đe dọa lãnh thổ của Mỹ trước và phía Washington trả đũa thì Bắc Kinh nên đứng ở vị trí trung lập. Tuy nhiên, trong viễn cảnh Mỹ và Hàn Quốc “động thủ” trước, chủ ý lật đổ chính quyền Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ trực tiếp ngăn chặn hành vi này.
Bài báo này được coi là một ngoại lệ trong tình hình hiện tại ở Trung Quốc khi các vấn đề liên quan tới động đất ở Tứ Xuyên và hải quân Mỹ đang được quan tâm hơn. Được biết Triều Tiên không nằm trong nhóm 50 chủ đề nóng trên trang mạng xã hội đông người dùng Weibo của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, không lâu sau khi Tổng thống Trump ngày 11/8 tuyên bố vũ khí Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên đạn”, Chủ tịch Trung Quốc điện đàm nhắc nhở ông chủ Nhà Trắng rằng tất cả các bên cần tránh những phát ngôn quá đà đồng thời đồng thuận Bán đảo Triều Tiên cần được phi hạt nhân hóa. Nhà Trắng xác nhận rằng Tổng thống Trump mong muốn được đến thăm Trung Quốc trong năm nay và mối quan hệ giữa ông cùng Chủ tịch Tập Cận Bình là “cực kỳ thân thiết”.
Cả Trung Quốc và Nga đều ủng hộ Liên Hợp Quốc vào đầu tháng này áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn dự đoán cắt giảm 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên. Biện pháp trừng phạt mới không bao gồm nhập khẩu dầu-nguồn nuôi sống kinh tế lớn nhất của chính quyền ông Kim Jong Un đồng thời ngăn Mỹ nâng mức phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc xử lý tiền của Bình Nhưỡng.
Ông Tập Cận Bình (phải) trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: AP |
Ông Andrew Gilholm tại Nhóm kiểm soát rủi ro có trụ sở ở Mỹ nhận xét: “Xích mích Mỹ-Trung Quốc sẽ tăng lên khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc không thể làm thay đổi thái độ của Triều Tiên. Ông Kim Jong Un dường như rất quyết tâm với mục tiêu khiến Mỹ không thể phủ nhận Triều Tiên là nhà nước hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ trong việc đạt được mục tiêu này trước khi các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn bắt đầu có hiệu lực”.
Đóng băng sự thất vọng
Trung Quốc đã sát cánh với Triều Tiên trong cuộc chiến tranh kéo dài từ 1950-1953 và cho đến nay vẫn luôn có mặt để hỗ trợ Bình Nhưỡng về thực phẩm và nhiên liệu. Tuy nhiên Triều Tiên từng nhiều lần chỉ trích mối quan hệ giữa Trung Quốc cùng Mỹ. Kể từ khi ông Kim Jong Un đảm nhiệm chức vụ vào cuối năm 2012, chưa hề có cuộc gặp thượng đỉnh nào được tổ chức giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ góp phần đẩy Triều Tiên tới bàn đàm phán. Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc liên tục nhắc đến đề xuất Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và thử tên lửa, đổi lại Mỹ cùng Hàn Quốc hoãn các cuộc tập trận chung.
Phía Triều Tiên trong khi đó thẳng thừng phản đối đối thoại nếu Mỹ không từ bỏ “chính sách thù địch” trước. Mỹ lại có điều kiện rằng chính quyền ông Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân- được coi là điều khó xảy ra bởi các nhà phân tích nhận định Triều Tiên coi đây là khiên bảo vệ cho sự tồn tại của nước này.
Nhà cựu đàm phán của Trung Quốc tại hội nghị 6 bên về vấn đề Triều Tiên, ông Yang Xiyu cho biết Bắc Kinh đã nản lòng bởi coi đề xuất của nước này là cách tốt nhất để tiến về phía trước.
Trò chơi địa chính trị
Ông Yang Xiyu nói: “Nếu Mỹ và các đồng minh không chấp nhận thì họ có thể phát kiến ra đề nghị tốt hơn. Chúng tôi đều sẽ lắng nghe. Nhưng họ chưa đưa ra được điều gì cả”.
Đối với Trung Quốc, Triều Tiên chỉ là một trong những lo ngại chiến lược án ngữ mối quan hệ của nước này với Mỹ. Do vậy, ngay cả khi lo lắng tột độ về ông Kim Jong Un thì Trung Quốc chưa thể hiện sẵn sàng để đầu hàng trong cuộc chơi địa chính trị lớn hơn với Mỹ.
Ông Song Guoyou tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Đại học Phục Đán (Trung Quốc) nói: “Triều Tiên là gánh nặng với Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ chống lại ông Kim Jong Un”. Ông Guoyou khẳng định Triều Tiên và Trung Quốc có mối quan hệ “sâu sắc và gắn kết” không thể thay đổi chỉ trong một đêm.