Theo tờ Thời báo Hoàn cầu trích dẫn lời của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 26/8 khẳng định, nước này đã điều máy bay quân sự tới Tây Thái Bình Dương để huấn luyện "thường xuyên" và nhiệm vụ này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.Một chiếc máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (Y-8) của Trung Quốc. Ảnh: Internet. |
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng cho biết máy bay Trung Quốc có quyền bay qua các không phận quốc tế một cách hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Phản ứng trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết mới đây rằng một chiếc máy bay cảnh báo sớm Y-8 của quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên bay trên không phận quốc tế giữa hai đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản và phía Nhật Bản đã ra lệnh cho máy bay chiến đấu khẩn trương cất cánh áp sát.
Theo ông Itsunori Onodera, đây là "một dấu hiệu của sự leo thang hàng hải mới của Trung Quốc".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay sau đó đã bày tỏ lo ngại về sự việc máy bay quân sự Trung Quốc tiếp cận gần các đảo phía nam Nhật Bản, gọi đó là một hành động bất thường. "Đó là một hành động không bình thường mà chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi với mối quan tâm lớn", ông Abe cho biết trước khi lên đường thăm các nước Malaysia, Singapore và Philippines.
Lu Yaodong, chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói: "Nhật Bản quá nhạy cảm về máy bay quân sự của Trung Quốc trên eo biển Miyako. Trong thực tế, điều đó là bình thường vì Trung Quốc chỉ tiến hành huấn luyện ở Tây Thái Bình Dương".
Liu Jiangyong, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế hiện đại tại Đại học Thanh Hoa, thì cho rằng Nhật Bản đã đánh giá sai lầm chiến lược về Trung Quốc, luôn coi Trung Quốc là đối thủ quân sự lớn của mình. "Bất cứ khi nào Trung Quốc có các hoạt động quân sự trong khu vực này, Nhật Bản ngay lập tức phản đối", Liu nói.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba trong số năm đảo thuộc quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư tháng 9/2012. Gần đây, các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã nhiều lần tuần tra tại khu vực đang tranh chấp này.
CT (Theo AP/Globaltimes)