Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin Trung Quốc đã ghi nhận trên 100 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 7 ngày liên tiếp, tính đến ngày 19/1. Ủy ban Y tế quốc gia cho biết Trung Quốc đã ghi nhận 118 trường hợp mắc mới vào ngày 18/1, tăng so với 109 ca nhiễm một ngày trước đó.
Trong đó, 106 trường hợp là ca nhiễm trong cộng đồng, với 43 trường hợp tại tỉnh Cát Lâm, 35 trường hợp tại tỉnh Hà Bắc.
Trường hợp “siêu lây nhiễm” gần đây nhất tại Cát Lâm là một người đàn ông chuyên tiếp thị các sản phẩm sức khỏe cho người cao tuổi. Theo lịch trình chi tiết do ủy ban Y tế Cát Lâm công bố vào tuần trước khi có kết quả dương tính, người đàn ông bán hàng đã đi 4 chuyến tàu, 3 chuyến xe buýt và một chuyến tàu điện ngầm để di chuyển qua lại giữa quê nhà ở tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Cát Lâm lân cận.
Thủ đô Bắc Kinh cũng ghi nhận 1 ca mắc mới, trong khi đó tỉnh Hắc Long Giang ghi nhận 27 trường hợp nhiễm virus mới.
Hàng chục triệu người đã bị phong tỏa khi một số thành phố phía bắc của nước này đã tiếm hành xét nghiệm virus hàng loạt, trong bối cảnh lo ngại các ca nhiễm chưa được phát hiện có thể lay lan nhanh chóng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Dự kiến, sẽ có hàng trăm triệu người sẽ bắt đầu hành trình di chuyển lớn nhất hành tinh trong kỳ nghỉ Tết bắt đầu vào giữa tháng 2/2021. Các nhà chức trách đã kêu gọi người dân nên “ở đâu yên đó”, hạn chế đi lại trước kỳ nghỉ lễ và tránh xa các cuộc tụ tập đông người như đám hiếu, hỉ.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 18/1, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Trung Quốc là 88.454 ca, với số người tử vong là 4.635 ca.
Một nhóm nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang ở Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của đại dịch.
Hôm 18/1, một nhóm chuyên gia độc lập nghiên cứu đại dịch, do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu, cho biết các quan chức Trung Quốc có thể đã áp dụng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ hơn vào tháng 1 năm ngoái để hạn chế đợt bùng phát ban đầu.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới đã chậm trễ trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu cho đến ngày 30/1, khiến thế giới khốn khổ trong một thời gian dài.
Trong khi đó, tờ Global Times của Trung Quốc ngày 19/1 đã lên tiếng ủng hộ cách đối phó với đại dịch của Trung Quốc. Tờ báo cho rằng chưa có quốc gia nào có kinh nghiệm đối phó với loại virus hoàn toàn mới này.
“Nhìn lại, không quốc gia nào có cách đối phó với loại virus mới này một cách hoàn hảo. Không quốc gia nào có thể đảm bảo họ không mắc sai lầm nếu một đại dịch tương tự xảy ra lần nữa”, tờ báo khẳng định.