Sau nhiều năm thực hiện hàng loạt chính sách để kiểm soát tăng dân số, bao gồm cả chính sách mỗi gia đình chỉ được có một con, Trung Quốc hiện lại bước vào kỷ nguyên tăng trưởng “âm” về dân số.
Theo "Thời Báo New York" (The New York Times) ngày 17/1/2019), Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố nghiên cứu cho thấy chính sách một con của Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ban đầu là khiến tăng trưởng dân số chậm lại nhưng cũng đồng thời lại tạo ra nhiều thách thức mới cho chính phủ nước này.
Giảm tỷ lệ sinh và tăng tuổi thọ đồng nghĩa sẽ khó có đủ người lao động để nuôi số dân khổng lồ và đã già. Các nhà khoa học cho rằng quá trình giảm dân số ở nước này sẽ bắt đầu năm 2027, hay thậm chí có thể sớm hơn.
Chính phủ Trung Quốc đã nhìn thấy xu hướng giảm dân số từ năm 2013 và đã nới lỏng quy định “chỉ được sinh một con” trong những trường hợp nhất định. Đến năm 2016 thì Trung Quốc đã quyết định cho mỗi gia đình được sinh 2 con nhằm tạo ra “thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh”, nhưng rất tiếc kế hoạch đó không diễn ra như kỳ vọng.
Số trẻ sơ sinh chỉ tăng một chút vào năm 2016 và sau đó đến 2017 lại tiếp tục giảm, với 17,2 triệu trẻ được sinh ra năm 2017, ít hơn 17,9 triệu trẻ được sinh vào năm 2016. Số liệu sơ bộ do Thời báo Hoàn cầu (The Global Times) của Trung Quốc đưa dự báo số trẻ sinh trong năm 2018 có thể chỉ khoảng 15 triệu và đã có những địa phương Trung Quốc cho biết tỷ lệ sinh ở khu vực của họ giảm tới 35%.
Theo tính toán khoa học, tỷ lệ sinh trung bình cần thiết để giữ nguyên dân số là mỗi bà mẹ sinh 2,1 con nhưng ở những nền kinh tế phát triển tỷ lệ sinh giảm mạnh do xã hội giàu có hơn và dân số già hơn. Tỷ lệ sinh trung bình ở Trung Quốc được công bố chính thức là mỗi bà mẹ có 1,6 con.
Tại nhiều nước khác trên thế giới, tỷ lệ sinh cũng giảm do tình hình kinh tế khá hơn và phụ nữ cũng có nhiều cơ hội mới. Tại Trung Quốc, nền kinh tế ngày càng mở rộng đã khiến nhiều đôi trẻ phải vật lộn với nhiều áp lực kinh tế, kể cả việc phải đầu tư ngày càng tăng cho học hành và chi phí nhà ở, khiến họ khó có điều kiện sinh con, chưa nói đến là sinh hai con.
Giới khoa học cho rằng khủng hoảng dân số nhãn tiền có thể chính là "gót chân Achilles" trong cuộc cải cách kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc 40 năm qua. Dân số giảm có thể tạo ra gánh nặng đối với nền kinh tế và lực lượng lao động của Trung Quốc.
Trong tương lai, số người lao động sẽ ít đi và chính phủ sẽ gặp khó khi phải trả lương cho số dân ngày càng già và sống thọ hơn. Đồng thời dân số giảm thì sức tiêu dùng cũng giảm và điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.