Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington tham gia đàm phán trong hai ngày 10-11/10. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà đàm phán cấp cao hai nước kể từ khi vòng đàm phán thương mại thứ 12 tại Thượng Hải kết thúc trong bế tắc.
Tuy nhiên, với vòng đàm phán thứ 13, Phó Thủ tướng Lưu Hạc không mang danh nghĩa là “Đặc phái viên” cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này ám chỉ vị Phó Thủ tướng 67 tuổi không nhận bất kỳ chỉ thị cụ thể nào từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Theo một nguồn tin thân cận giấu tên tiết lộ cho SCMP, phái đoàn Trung Quốc có thể cắt ngắn lịch trình ở Washington D.C. “Kế hoạch ban đầu của phái đoàn Trung Quốc dự kiến rời Washington vào ngày 12/10, song việc này có thể đẩy sớm sang ngày 11. Không có nhiều tín hiệu tích cực nào”, nguồn tin cho hay.
Hai nước được cho là vẫn thể hiện quan điểm khác biệt về những vấn đề gây ra sự đổ vỡ vòng đàm phán tháng 5. Thời điểm đó, Mỹ đổ lỗi Trung Quốc không tuân thủ lời hứa, trong khi Bắc Kinh tố cáo Washington tìm cách xâm phạm chủ quyền kinh tế của Trung Quốc.
Không khí trước thềm đàm phán tuần này đặc biệt lại càng căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/10 bất ngờ lên tiếng cảnh báo về tình hình Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời liệt 28 thực thể Trung Quốc và "danh sách đen". Phản ứng trước phát biểu của ông Trump, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh Mỹ nên đứng ngoài vấn đề nội bộ của quốc gia này.
Tình hình còn phức tạp hơn khi nhà lãnh đạo Mỹ công khai yêu cầu Bắc Kinh điều tra các hoạt động kinh doanh của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông Hunter tại Trung Quốc.
“Một số người có thể hỏi, nếu Mỹ tăng thuế, có nhất thiết tiếp tục đàm phán hay không… câu trả lời là cần thiết có những biện pháp đối phó khi đàm phán tiếp diễn”, tài khoản Taoran Notes của Nhật báo kinh tế Bắc Kinh có viết, ngụ ý Trung Quốc sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ vẫn triển khai áp thuế mới dự kiến có hiệu lực trong tuần tới.
Mỹ dự kiến tăng thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD từ 25% lên 30% vào 1/10. Tuy nhiên, động thái này đã được hoãn lại để tránh trùng thời điểm với lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ đe dọa sẽ áp thuế 15% đối với 160 tỷ USD hàng tiêu dùng của Trung Quốc vào ngày 15/12 tới, sau mức thuế 15% đối với 115 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực vào ngày 1/9.
Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump cho hay ông thích đạt được một thỏa thuận toàn diện bao gồm tất cả các yếu tố thay vì một thỏa thuận nhỏ về các vấn đề tương đối dễ dàng. “Chúng ta đã đi đến được thời điểm này. Chúng ta đang làm rất tốt. Tôi mong muốn một thỏa thuận lớn hơn và tôi nghĩ đó là điều chúng ta hướng tới”, ông chủ Nhà Trắng nói hôm 7/10.
Shen Jianguang – một nhà quan sát kinh tế Trung Quốc kỳ cựu – kết luận: “Các vòng đàm phán trước được kỳ vọng khá cao, song thỏa thuận vẫn chưa đạt được. Chính vì vậy, kỳ vọng về vòng đàm phán này tương đối thấp, dù điều đó không có nghĩa là sẽ thất bại. Sẽ không có một thỏa thuận toàn diện, nhưng vẫn có cơ hội cho một thỏa thuận chính thức vì cả hai nền kinh tế đang dần cảm nhận được những tổn thất của thương chiến”.