Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dẫn đầu phái đoàn thương mại Mỹ tham gia cuộc tham vấn thương mại với phía Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo Tân Hoa Xã, phát biểu với báo giới ngày 2/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu sẽ trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề kinh tế và thương mại là quan tâm chung của Washington và Bắc Kinh trong 2 ngày 3-4/5. Bà khẳng định các cuộc tham vấn giữa hai nước về vấn đề kinh tế và thương mại sẽ chỉ mang tính xây dựng chừng nào phái đoàn Mỹ thể hiện sự chân thành trong quá trình trao đổi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhận định không thể giải quyết tất cả các vấn đề phức tạp giữa 2 nước chỉ bằng một buổi tham vấn. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định việc giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề trong quan hệ kinh tế và thương mại thông qua các cuộc tham vấn công bằng cũng như duy trì sự ổn định toàn diện mối quan hệ thương mại chắc chắn sẽ phù hợp với lợi ích chung của hai bên, giúp duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong khi đó, theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết Bắc Kinh sẽ hoan nghênh một kết quả thành công của cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ, song cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kết quả và sẽ không đàm phán về những lợi ích cốt lõi. Quan chức này khẳng định cuộc đàm phán phải diễn ra công bằng và đôi bên cùng có lợi, đồng thời Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ đe dọa thương mại nào từ Washington hay chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho cuộc đàm phán. Quan chức này nêu rõ: "Trong trường hợp xảy ra cuộc chiến thương mại, chúng tôi có khả năng chịu đựng (hệ quả) tốt hơn so với Mỹ".
Về phía Mỹ, theo giới chuyên gia, 7 quan chức cấp cao của phái đoàn Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro, Larry Kudlow, Everett Eissenstat và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad, đều có quan điểm cứng rắn về các bất đồng với Trung Quốc. Phát biểu trước chuyến thăm, Đại diện thương mại Lighthizer đã nhận định "Đây là một thách thức rất rất lớn".
Theo các chuyên gia thương mại, kết quả khả quan nhất của cuộc tham vấn này là thỏa thuận tiếp tục tiến hành đối thoại song phương, còn một kết quả đột phá là vô cùng hy hữu. Tuy nhiên, các biện pháp trong ngắn hạn của Trung Quốc sẽ đẩy lùi thời gian ra quyết định về áp thuế của Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian qua làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ô tô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump hôm 5/4 cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung. Ngày 17/4, Bắc Kinh quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước.