Trong bảng xếp hạng cập nhật mới nhất, Trung Quốc từ thứ hạng thứ 2 đã rớt xuống vị trí thứ 32, lần đầu tiên ra khỏi Top 10 trong xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19 kể từ khi Nikkei Asia cho công bố bộ chỉ số đánh giá này vào tháng 7/2021.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho đến thời điểm này vẫn theo đuổi chính sách “Không Covid” (zero-Covid) trong cuộc chiến chống đại dịch. Nhưng đợt bùng phát dịch gần đây tại nhiều tỉnh, thành phố với sự xuất hiện của biến thể Omicron đã tạo ra những thách thức đối với Trung Quốc đại lục.
Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei Asia được công bố định kỳ vào cuối mối tháng, đánh giá 121 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, triển khai tiêm vaccine và mức độ giãn cách xã hội. Quốc gia có chỉ số càng cao thì càng tiến gần tới trạng thái phục hồi với số ca nhiễm COVID-19 thấp, tỷ lệ tiêm vaccine cao và/hoặc ít phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.
Trung Quốc trong kỳ đánh giá tháng 3 đã mất 11 điểm so với tháng trước, chủ yếu là do số ca mắc mới trong ngày liên tục xác lập những mốc kỉ lục mới. Tại Thượng Hải, tâm dịch hiện nay ở Trung Quốc, các trường hợp mắc COVID-19 tăng nhanh khi thành phố đông dân dân bậc nhất đại lục đã triển khai tới vòng xét nghiệm toàn dân thứ năm đối với 25 triệu dân.
Ngày 7/4, Thượng Hải ghi nhận hơn 21.000 ca mắc, chiếm 87% tổng số ca nhiễm trên toàn Trung Quốc đại lục, dù phần lớn trong số này rơi vào trường hợp không triệu chứng. Lệnh phong tỏa tại Thượng Hải tiếp tục được kéo dài, chưa rõ thời gian dỡ phong tỏa, dù trước đó chính quyền thành phố từng lên kế hoạch chấm dứt phong tỏa vào ngày 5/4. Hoạt động tại trung tâm tài chính lớn nhất Trung Quốc gần như bị đình trệ, khi phần lớn các lĩnh vực không thiết yếu được lệnh đóng cửa.
Ông Takashi Kasai, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 7/4 nhận định với dân số trên 1,3 tỉ người, nên ngay cả tỉ lệ nhiễm COVID-19 thấp vẫn có thể gây ra “quá tải tiềm tàng” đối với hệ thống y tế của Trung Quốc.
Với 28 điểm trên thang điểm 30, Trung Quốc xếp thứ 12 xét theo tiêu chí độ bao phủ của vaccine do Nikkei Asia đặt ra. Thế nhưng tỉ lệ tiêm chủng cũng không đồng đều giữa các nhóm tuổi. Mới chỉ có khoảng 50% người trên 80 tuổi tại Trung Quốc đã tiêm đủ hai liều vaccine tính đến thời điểm giữa tháng 3/2022, kém xa so với tỉ lệ 90% ở Nhật Bản hay Singapore. Giới chuyên gia nhận định thực tế này tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu như tình hình COVID-19 xấu đi, vượt tầm quyền soát.
Đặc khu kinh tế Hong Kong (Trung Quốc) cũng tụt hạng, từ hạng 109 xuống hạng 114. Số ca nhiễm tại vùng lãnh thổ này giảm 10% so với thời kỳ đỉnh dịch cuối tháng 3. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì. Hong Kong kiểm soát chặt các chuyến bay đến và đi và cho đến tháng này vẫn áp lệnh cấm bay đối với 9 nước, trong đó có Mỹ và Anh.
Trung Quốc cũng nhận được điểm số thấp ở tiêu chí phụ này, chỉ với 2 điểm. Số lượng các chuyến bay quốc tế và nội địa giảm lần lượt 92% và 53% trong tháng 3 vừa qua so với thời điểm tiền đại dịch. Hãng Cirium, một công ty chuyên về dữ liệu và phân tích hàng không, nhận định ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất chắc trong ngành hàng không của Trung Quốc.
Cùng lúc, Thái Lan cũng tụt 28 bậc, rớt xuống thứ 113 trong xếp hạng của Nikkei Asia. Số ca nhiễm tại Đông Nam Á giảm, nhưng trường hợp mắc mới tại Thái Lan vẫn tăng, dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng các ca bệnh nặng và phải thở máy tại bệnh viện.
Nhưng cũng có một số nước tại châu Á vươn lên mạnh mẽ. Campuchia xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng, với tổng điểm 80,5 điểm, chỉ xếp sau Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) với 85,5 điểm. Đài Loan (Trung Quốc) cũng giữ vững thứ hạng để có mặt trong bảng Top 5 năm tháng liền.