Trung Quốc đã mời các phi hành gia ngoại quốc tham gia sứ mệnh và cùng tiến hành nghiên cứu trên trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này.
Phát biểu ngày 18/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia trên trạm vũ trụ riêng.
Ông Vương cho biết Bắc Kinh đang tổ chức các vòng tham vấn với Liên hợp quốc về một sứ mệnh không gian chung của cộng đồng quốc tế. Theo quan chức này, một nhóm phi hành gia quốc tế có thể bắt tay vào làm việc sớm nhất là từ cuối năm nay.
Tháng 4/2021, Trung Quốc đã đưa mô đun đầu tiên của trạm Thiên Cung lên quỹ đạo. Hai mô đun thí nghiệm khác đang chờ được phóng trong năm nay để hoàn tất quá trình lắp ráp trạm vũ trụ.
Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, Thiên Cung sẽ sớm bắt đầu sứ mệnh và kéo dài hơn một thập kỷ. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trạm vũ trụ này sẽ trở thành cơ sở lớn nhất từng được xây dựng và vận hành trên quỹ đạo gần Trái đất bởi một quốc gia đơn lẻ.
Ba nhà du hành Trung Quốc gồm Trác Chí Cương, Vương Á Bình và Diệp Quang Phú vừa từ mô đun của trạm Thiên Cung quay trở về Trái đất sáng 16/4. Họ đã lập nên một kỷ lục quốc gia về thời gian lưu lại ngoài không gian lâu nhất với 183 ngày. Vương Á Bình cũng chính là nữ phi hành gia Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ. (Xem video tàu vũ trụ Thần Châu 13 hạ cánh xuống Trung Quốc ngày 16/4. Nguồn: CGTN)
Trong 6 tháng qua, phi hành đoàn này đã lắp đặt một cánh tay robot ở bên ngoài mô đun, điều chỉnh các ống kính và tiến hành một số thử nghiệm.
Phi hành đoàn tiếp theo dự kiến bay đến lên mô đun Thiên Cung trong tháng 5 tới, Nhóm nghiên cứu này sẽ có nhiệm vụ giám sát việc lắp ráp hai mô đun phòng thí nghiệm còn lại.