Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Ngoại trưởng Trung Quốc đang thực hiện chuyến công du tới 8 quốc gia Thái Bình Dương kéo dài 10 ngày nhằm mở rộng quan hệ về ngoại giao, kinh tế và quân sự trong khu vực, như một phần nỗ lực đối phó với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Washington.
Chuyến công du diễn ra sau khi Bắc Kinh ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon hồi tháng 4, làm dấy lên lo ngại trong khu vực rằng Trung Quốc có thể xây dựng được chỗ đứng quân sự ở quốc đảo Thái Bình Dương.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa, trong cuộc hội kiến với quyền Toàn quyền Patteson Oti, Ngoại trưởng Vương Nghị ca ngợi quyết định năm 2019 của Honiara về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh là "một điều tất yếu lịch sử".
Bài viết đề cập Ngoại trưởng Vương Nghị đã tìm cách giảm bớt lo ngại về sự hiện diện quân sự tiềm tàng của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra quan hệ song phương đã đạt được những kết quả "hữu hình" với "sự phát triển toàn diện" và "sự tin cậy lẫn nhau về chính trị" mạnh mẽ hơn.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng tiết lộ lịch trình chuyến công du, bao gồm điểm dừng chân ở Fiji vào ngày 30/5 tới. Tại đây, Bắc Kinh hy vọng sẽ ký một thỏa thuận và kế hoạch hành động 5 năm với các ngoại trưởng trong khu vực.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục đề cao tinh thần hợp tác, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, giúp người dân các nước cải thiện mức sống, tăng tốc phát triển và phục hồi”, nhà chức trách khẳng định.
Trong cuộc hội kiến người đồng cấp Jeremiah Manele, hai bên đã nhất trí cùng nhau xây dựng một dự án lớn trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, gỗ và phòng chống đại dịch.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng sẽ có một "chuyến thăm trực tuyến" tới Liên bang Micronesia và tổ chức các cuộc hội đàm riêng biệt thông qua video trực tuyến với người đồng cấp ở Quần đảo Cook và Niue.
Chuyến đi tới các đảo quốc Nam Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Trung Quốc đang được Washington và các đồng minh theo sát chặt chẽ. Mặc dù Honiara khẳng định họ sẽ không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, Mỹ, Australia và Nhật Bản đều đã cử phái đoàn tới Quần đảo Solomon vào tháng trước để bày tỏ quan ngại về mối quan hệ ngày càng khăng khít với Trung Quốc.
"Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực mà tại đó, Australia luôn là đối tác an ninh kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai", tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese đưa ra lời cảnh báo ngày 26/5.
Nhà lãnh đạo Albanese tuyên bố sẽ "tiến lên, không lùi bước" về một cuộc can dự ở Thái Bình Dương và cử Ngoại trưởng Penny Wong tới Fiji trong một nỗ lực nhằm đảm bảo mối quan hệ song phương truyền thống. Hai người vừa trở về từ hội nghị thượng đỉnh “Bộ Tứ” ở Tokyo, sau khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ và Nhật Bản để nghĩ cách đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng bày tỏ quan ngại về nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong khu vực, nói rằng Nam Thái Bình Dương có thể tự giải quyết các nhu cầu an ninh của mình.
Theo Pang Zhongying, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Ocean of China ở Thanh Đảo, chuyến công du cấp cao của Ngoại trưởng Vương Nghị rõ ràng là nhằm vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt là trước những nỗ lực của Washington trong việc can dự vào khu vực.
Chuyên gia Pang giải thích: “Đây là thời điểm quan trọng đối với Bắc Kinh và Trung Quốc cần thận trọng xử lý mối quan hệ với chính phủ Australia mới và New Zealand trong bối cảnh họ nhận thấy rằng Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện nhiều hơn ở Nam Thái Bình Dương, tại khu vực mà họ đang có tầm ảnh hưởng”.
Trong một tài liệu công bố ngày 24/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết quan hệ giữa Bắc Kinh với khu vực Nam Thái Bình Dương đã bước vào một "giai đoạn tăng trưởng nhanh mới". Tài liệu nêu chi tiết về các trao đổi và hợp tác của Trung Quốc với "những người bạn tốt" trong khu vực kể từ khi nước này thiết lập quan hệ ngoại giao với Fiji vào năm 1975. Theo tài liệu, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khu vực này đã đạt 2,72 tỷ USD vào năm 2021, với tổng khối lượng giao dịch thương mại ngày càng tăng, từ 153 triệu USD năm 1992 lên 5,3 tỷ USD trong năm ngoái.