Trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến như Weibo, nhiều người đã đăng bài ăn mừng, ủng hộ hành động trên của chính phủ Trung Quốc. Bốn công ty viên thông của nước này khẳng định họ sẽ xóa hoàn toàn các dữ liệu liên quan đến ứng dụng của người dùng sau khi ứng dụng được gỡ bỏ.
“Tạm biệt (ứng dụng) Thẻ hành trình, tôi hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại bạn nữa”, một người dùng viết trên tài khoản Weibo.
Thẻ hành trình chủ yếu được sử dụng để theo dõi người dân đi lại trong lãnh thổ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng sử dụng thẻ này như mã y tế, yêu cầu người dân phải quét để vào các địa điểm công cộng nhằm kiểm tra xem họ có thể tiếp xúc với virus hay không.
Mặc dù giới chức chưa công bố chính thức việc xóa bỏ các ứng dụng song tại một số thành phố lớn bao gồm Thượng Hải, người dân đã không còn phải xuất trình Thẻ hành trình khi vào những nơi công cộng như cửa tiệm và nhà hàng.
Từ tuần trước, Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ một số quy định quan trọng trong chính sách Zero-COVID, bao gồm bỏ xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng quy trình cách ly.
Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 ngay trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng tới, trong bối cảnh một lượng lớn người dân Trung Quốc dự kiến di chuyển khắp đất nước để thăm gia đình lần đầu tiên sau nhiều năm.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương ngày 12/12 cho biết ông tin rằng các biện pháp phòng chống COVID-19 của Trung Quốc sẽ được nới lỏng hơn nữa trong tương lai gần và việc người nước ngoài đến nước này cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Trung Quốc gần như đóng cửa biên giới với du khách quốc tế kể từ khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019. Hiện số lượng các chuyến bay quốc tế vẫn ở mức thấp so với mức trước đại dịch và người từ bên ngoài lãnh thổ đến phải đối mặt với quy trình 8 ngày cách ly.
Việc đóng cửa biên giới và phong tỏa nhiều lần ở các thành phố lớn để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 đã tàn phá nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát được coi là cơ hổi để mở ra triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong dài hạn, nhưng các nhà phân tích cho rằng hoạt động kinh doanh của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong những tuần tới, do làn sóng lây nhiễm gia tăng dẫn tới tình trạng thiếu nhân sự và khiến người tiêu dùng thận trọng hơn.
Tốc độ lây lan của dịch bệnh, với hàng dài người xếp hàng bên ngoài các phòng khám sốt và trung tâm xét nghiệm trong những ngày gần đây, cũng có thể sẽ gây sức ép lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời, hệ thống này sẽ nhanh chóng bị quá tải.