Ngày 13/6, Trung Quốc
nhận định tình hình Xyri đã ở "thời điểm sống còn" đồng thời bày tỏ sự
"quan ngại sâu sắc" trước diễn biến bạo lực tại quốc gia Trung Đông
này.
Khói lửa do xung đột tại Khalidiyah, khu vực lân cận thành phố Homs, Xyri, ngày 8/6. Ảnh AFP/TTXVN |
Trả lời báo giới,
người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói: "Trung Quốc hết sức
quan ngại trước diễn biến bạo lực ở Xyri. Chúng tôi cho rằng tình hình tại đây
đã ở thời điểm sống còn. Chúng tôi hy vọng các bên ở Xyri làm mọi điều có thể để
bảo vệ dân thường".
Một ngày trước đó (12/6),
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Herve Ladsous khẳng
định cuộc xung đột kéo dài 15 tháng qua tại Xyri đã phát triển thành một cuộc nội
chiến toàn diện, trong đó chính phủ đang tìm cách giành lại những vùng đô thị rộng
lớn bị rơi vào tay phe đối lập.
Trung Quốc, thành
viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ, đã tái khẳng định
quan điểm phản đối nước ngoài can thiệp và dùng vũ lực để thay đổi chế độ ở
Xyri. Bắc Kinh cũng hối thúc các bên xung đột ở Xyri thực thi kế hoạch hòa bình
của ông Kofi Annan, Đặc phái viên chung LHQ - Liên đoàn Arập (AL) về Xyri.
Trong khi đó, phát
biểu tại Thụy Sĩ ngày 12/6, ông Annan kêu gọi các quốc gia nhiều ảnh hưởng trên
thế giới cần gia tăng sức ép thực thi kế hoạch hòa bình 6 điểm ở Xyri nhằm ngăn
chặn bạo lực leo thang. Ông cũng bày tỏ hy vọng cuộc gặp của nhóm liên lạc theo
sáng kiến của Nga "sẽ sớm diễn ra".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei
Lavrov cho biết Mátxcơva đã sẵn sàng tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề
Xyri với sự tham gia của Iran, nước láng giềng có ảnh hưởng đối với Đamát.
Liên quan đến tin
nói rằng Nga có thể đang đưa máy bay trực thăng chiến đấu sang Xyri, ngày 13/6,
công ty xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport khẳng định họ "không cung
cấp những vũ khí và kỹ nghệ quân sự trái với những yêu cầu về an ninh của
LHQ", song không cho biết chi tiết.
Trong khi đó, Mỹ đã lên tiếng bày tỏ
lo ngại về thông tin này.
TTXVN/Tin Tức