Trung Quốc sẽ mất cả chục năm mới cạnh tranh được với Boeing, Airbus

Đó là nhận định của Tổng giám đốc điều hành Bernard Charles của công ty Dassault Systemes, công ty phần mềm hàng đầu ở châu Âu.

Chú thích ảnh
Ông Bernard Charles. Ảnh: Bloomberg

Hãng CNBC dẫn lời ông Bernard Charles, một nhân vật giàu kinh nghiệm trong ngành hàng không, cho biết Trung Quốc sẽ mất hơn 10 năm mới có thể thành lập được một nhà sản xuất máy bay có năng lực cạnh tranh toàn cầu với những tên tuổi như Boeing của Mỹ hay Airbus của châu Âu.

Ông Bernard Charles ngày 28/3 lý giải hàng không vũ trụ là một ngành phức tạp và cần thời gian nên ngay cả những công ty có danh tiếng cũng phải tích lũy dần năng lực, kinh nghiệm để xây dựng được một loại máy bay thương mại đáng tin cậy. Ông nói: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ cần một hoặc hai thế hệ máy bay để có sản phẩm cạnh tranh thực sự trên toàn cầu. Đó là sự phát triển hợp lý trong bối cảnh quy mô thị trường lớn ở Trung Quốc”.

Dassault Systemes bán phần mềm cho các nhà sản xuất máy bay, giúp họ số hóa các mảng kinh doanh. Nhờ áp dụng nhiều công nghệ hơn vào hoạt động hàng ngày, các nhà sản xuất có thể giảm chi phí sản xuất máy bay, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và tăng cường sản xuất đáp ứng nhu cầu.

Hiện nay, Boeing và Airbus thống lĩnh thị trường sản xuất máy bay. Ngoài ra, còn có một số hãng nhỏ như Embraer của Brazil hay Bombardier của Canada.

Về phần mình, Trung Quốc có kế hoạch hành động với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) có trụ sở ở Thượng Hải. Comac có thể giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Boeing và Airbus.

Chú thích ảnh
Một chiếc C919 của Trung Quốc cất cánh từ Sân bay Quốc tế Shanghai Pudong năm 2018. Ảnh: AP

Hiện nay, Comac có hai dòng máy bay thân hẹp, ARJ21 và C919, cùng một dòng máy bay thân rộng C929 đang trong giai đoạn sản xuất và phát triển.

Năm 2015, Comac cho biết đã giao chiếc ARJ21 đầu tiên cho một hãng hàng không giá rẻ trong nước. Chiếc C919 đang được bay thử và dự kiến được giao năm 2021. 815 chiếc C919 đã được 28 khách hàng đặt hàng.

Tham vọng của Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở C919. Comac đang phối hợp với Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất ở Moskva để phát triển dòng máy bay thân rộng CR929 để có thể bay được những hành trình dài như từ Bắc Kinh tới New York. 

Comac cho biết hồi tháng 11/2018 rằng thị trường hàng không Trung Quốc sẽ nhận 9.000 máy bay trị giá 1,3 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới. 2/3 trong số đó sẽ là máy bay thân hẹp kiểu như Boeing 737 và C919.

Comac đang xây dựng một trung tâm huấn luyện cho kỹ sư bảo dưỡng, thành viên phi hành đoàn và các nhân viên hãng hàng không để bay chiếc C919 và CR929.

Vấn đề máy bay Trung Quốc cạnh tranh với Boeing và Airbus được đặt ra trong bối cảnh Boeing đang đối mặt khủng hoảng toàn cầu sau khi hai máy bay Boeing 737 Max 8 bị rơi ở Indonesia và Ethiopia, khiến hàng trăm người chết. Dòng máy bay này đã bị đình bay từ giữa tháng 3 và Boeing đang sửa lỗi phần mềm.

Ông Charles cho rằng vấn đề của Boeing sẽ được giải quyết kịp thời. Ông nói: “Chiếc Airbus A320 lúc đầu cũng gặp một số thách thức và họ đã giải quyết được. Điều đó xảy ra với mọi công ty trong lĩnh vực này. Những chương trình rất phức tạp, những vật thể rất phức tạp và thời gian đầu luôn gặp thách thức”.

Do đó, việc máy bay Trung Quốc cạnh tranh với Boeing hay Airbus có thể còn là tương lai xa. Máy bay Trung Quốc không có hồ sơ theo dõi an toàn bay như các máy bay phương Tây. Quan trọng hơn là không công ty Trung Quốc nào có khả năng thiết kế và sản xuất động cơ cho máy bay thương mại. Động cơ chiếc C919 của Trung Quốc là do CFM International sản xuất.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ấn Độ khoe bắn hạ vệ tinh, kích hoạt cơn ác mộng rác vũ trụ bao vây Trái đất
Ấn Độ khoe bắn hạ vệ tinh, kích hoạt cơn ác mộng rác vũ trụ bao vây Trái đất

Ấn Độ tự hào vì thành tựu chưa từng có tiền lệ khi phóng tên lửa bắn hạ vệ tinh, nhưng sự kiện này một lần nữa dấy lên mối lo về cơn ác mộng rác vũ trụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN