Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trước đây, giới chức Trung Quốc hiếm khi đưa ra các so sánh như vậy. Tuy nhiên, ông Lian Weiliang, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), khẳng định tầm nhìn này là một phần của chiến lược tự cường của đất nước, được thực hiện trong kế hoạch phát triển 2021-2025 và tầm nhìn 2035.
"Doanh số bán lẻ của Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019, tăng hơn 42% so với năm 2015. Con số này sẽ sớm vượt Mỹ, đưa Trung Quốc trở thành thị trường hàng tiêu dùng hàng đầu. Chúng ta phải tận dụng tốt lợi thế của thị trường siêu lớn, nỗ lực xây dựng hệ thống thị trường chất lượng cao trong 5 năm”, ông Lian phát biểu tại Diễn đàn Cải cách Trung Quốc vào cuối tuần trước.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đạt 41,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 6,2 nghìn tỉ USD) vào năm 2019, tương đương với tổng doanh số bán lẻ của người Mỹ. Trong khi đó, ông Wang Yiming, cựu Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện cho biết mức chi tiêu của người tiêu dùng tại thị trường Mỹ chỉ khoảng 200 tỉ USD vào năm 2019.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã có nguồn thu nhập trung bình cao nhất thế giới, tạo ra giá trị gia tăng sản xuất lớn nhất thế giới. Quốc gia này cũng có nhiều người dử dụng Internet nhất thế giới cũng như sở hữu 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Các nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã đặt hy vọng vào khả năng thị trường nội địa rộng lớn của mình tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới bằng cách tập trung vào thị trường nội địa và các công nghệ sản xuất trong nước.
Mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2035 cho thấy rằng họ sẽ vượt qua Mỹ trong vòng 15 năm tới, mặc dù tài liệu chính thức được công bố vào tháng trước không đưa ra so sánh cụ thể.
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi. Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,9% trong quý 3 năm 2020, tăng tốc từ mức tăng 3,2% trong quý 2 và giảm 6,8% trong quý đầu tiên. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 4,3% trong tháng 10, so với mức giảm 20,5%, theo số liệu của cả tháng 1 và tháng 2.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, trong khi nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 4,3%.
Ông Wang Yiming dự báo thị trường tiêu dùng của Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng tiêu dùng nội địa vẫn đang bị hạn chế bởi dịch bệnh, nợ hộ gia đình cao và khoảng cách thu nhập ngày càng lớn.
Trong đại dịch, các nhóm thu nhập thấp và chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các gia đình có thu nhập trung bình và cao. Nợ hộ gia đình tăng, phần lớn xuất phát từ đầu tư bất động sản, đã làm giảm khả năng tiêu dùng.
Ông Han Yongwen, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, khuyến nghị chính phủ tập trung mở rộng dân số có thu nhập trung bình trong 5 năm tới, cố gắng nâng tỷ lệ này lên khoảng 40% dân số, tương đương 600 triệu người, từ mức hiện tại là 29%.
“Nếu có thể thực hiện điều này, tiêu dùng Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế tiềm năng sẽ được thúc đẩy mạnh”, ông nhận định.