Các động thái gần đây của Chính phủ Trung Quốc đã khiến những công ty nước ngoài, đặc biệt là các nhà sản xuất chất bán dẫn, gặp thêm nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên này khi chúng chủ yếu được khai thác và tinh luyện tại Trung Quốc.
Cụ thể, kể từ ngày 1/10, những quy định mới yêu cầu các nhà xuất khẩu cung cấp thông tin chi tiết về việc sử dụng đất hiếm trong toàn bộ chuỗi cung ứng tại phương Tây. Yêu cầu đó cho phép Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn việc phân bổ nguồn khoảng sản này.
Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với antimon, một vật liệu bán dẫn quan trọng vào ngày 15/9. Các hạn chế tương tự đã được áp đặt đối với gali và germani vào năm ngoái, tiếp tục tăng cường quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các nguyên tố quan trọng trong hoạt động sản xuất chip.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo nhu cầu đất hiếm sẽ tăng gấp bảy lần vào năm 2040, chủ yếu do lực đẩy từ các ngành công nghiệp năng lượng sạch.
Theo giới quan sát, những hành động này là một phần của cuộc đua công nghệ lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ, phản ánh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tương tự do cả hai bên áp đặt lẫn nhau.
Nhà Trắng tuyên bố rằng việc Trung Quốc kiểm soát quá trình xử lý khoáng sản quan trọng khiến Mỹ và các đồng minh dễ bị gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng bất lợi tới an ninh kinh tế và quốc gia. Bộ Thương mại Trung Quốc lập luận các biện pháp này là cần thiết cho việc bảo tồn tài nguyên, ngăn chặn phổ biến vũ khí và đảm bảo an ninh quốc gia.
Ngoài việc kiểm soát xuất khẩu, Trung Quốc đang củng cố quyền sở hữu doanh nghiệp đối với sản xuất đất hiếm. Hai nhà máy tinh luyện cuối cùng thuộc sở hữu nước ngoài đang được công ty quốc doanh Shenghe Resources mua lại.
Dysprosi, một nguyên tố đất hiếm có giá hơn 100 USD/pound (1 pound = khoảng 453 gram), là ví dụ điển hình cho thấy lợi thế ngày càng tăng của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Khả năng chịu nhiệt của dysprosi khiến nó ngày càng trở nên quan trọng đối với các chất bán dẫn tiên tiến, với những công ty chip hàng đầu như Nvidia đã kết hợp dysprosi siêu tinh khiết vào các tụ điện chip.
Trung Quốc hiện đang tinh luyện 99,9% dysprosi của thế giới, chủ yếu tại một nhà máy tinh luyện duy nhất hiện thuộc sở hữu của công ty Canada Neo Performance Materials ở Vô Tích, gần Thượng Hải. Công ty cho hay vào cuối năm, họ sẽ bán 86% cổ phần tại nhà này cho Shenghe Resources.
Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát lĩnh vực đất hiếm đã thúc đẩy các nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng thay thế. Solvay, một công ty của Bỉ, tinh luyện một lượng nhỏ dysprosi ở Pháp và cho biết họ có kế hoạch tăng sản lượng. Một công ty khác của Australia, Lynas cho biết họ sẽ bắt đầu tinh luyện dysprosi tại Malaysia vào năm tới. Công ty cũng đang phát triển một nhà máy tinh luyện khác ở Texas, Mỹ.
Tuy nhiên, những nỗ lực này gặp không ít trở ngại đáng kể. Có rất ít mỏ dysprosi bên ngoài Trung Quốc và Myanmar, trong khi các công ty Trung Quốc đang tích cực mua lại cổ phần trong những mỏ khác trên toàn cầu.
Việc xây dựng các nhà máy tinh luyện mới là một quá trình mấy nhiều thời gian, trong khi sản xuất dysprosi siêu tinh khiết cho các chip máy tính chạy các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) đặc biệt khó khăn. Neo đã phải mất bảy năm để làm chủ được quy trình hóa học 100 bước tại nhà máy tinh luyện dysprosi tại Vô Tích. Solvay cho biết việc tăng sản lượng dysprosi vào đầu năm tới sẽ dành cho nam châm, một ứng dụng có yêu cầu thấp hơn đáng kể.
Mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ tại Mountain Pass, California có nồng độ dysprosi thấp trong quặng. Nhưng MP Materials, công ty sở hữu mỏ này, có hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm nâng cấp thiết bị tinh luyện tinh vi để có thể chiết xuất dysprosi. Ông James Litinsky, Giám đốc điều hành (CEO) của MP Materials khẳng định công ty có khả năng sản xuất dysprosi nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp nhưng chỉ khi chi phí không còn là vấn đề.
Các quốc gia đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng kể từ năm 2010, khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong hai tháng sau khi quan hệ song phương diễn biến ít thuận lợi.
Nhưng các nỗ lực đa dạng hóa đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Cạnh tranh với chi phí sản xuất thấp và chiến lược định giá tích cực của Trung Quốc là một trong số đó. Các quy trình hóa học tiên tiến cùng những chương trình đào tạo chuyên dụng của Trung Quốc càng củng cố lợi thế của nước này.
Ông Michael Silver, Chủ tịch kiêm CEO của công ty phân phối vật liệu tiên tiến American Elements lưu ý rằng các nhà máy tinh luyện của Trung Quốc sở hữu "những hệ thống chiết xuất dung môi thực sự vượt trội". Khoảng cách công nghệ này kết hợp với việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát tài nguyên chiến lược đang đặt ra một thách thức đáng kể cho các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm trên toàn cầu.