Dẫn số liệu của hải quan Trung Quốc đăng trên Radio Farda, kênh RT đưa tin tính từ đầu năm đến tháng 7 năm nay, số lượng dầu trung bình mà Trung Quốc nhập khẩu từ Iran đạt mức 77.000 thùng/ngày, thấp hơn 9 lần so với số liệu Trung Quốc đưa ra trước khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành sản xuất và xuất khẩu dầu của Iran.
Tuy nhiên, trên thực tế, xuất hiện nhiều báo cáo, các cuộc điều tra truyền thông và công ty giám sát tàu chở dầu ám chỉ Trung Quốc có thể đang tiếp nhận nhiều dầu Iran hơn so với số liệu chính thức.
Dữ liệu hải quan về dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Iran tương ứng với dữ liệu mà công ty tình báo Kpler cung cấp cho Đài Farda.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Kpler, một tàu chở dầu đã tìm cách che đậy nguồn gốc dầu Iran đưa đến Trung Quốc bằng cách thay tên hàng hóa thành "dầu Indonesia".
Tàu chở dầu trên có tên gọi Giessel. Đây là một trong bốn tàu chở dầu bị giới chức trên đảo St. Kitts & Nevis thuộc vùng Caribe tước cờ sau khi một cuộc điều tra của NBC News cho thấy có tới 15 tàu chở dầu đã can thiệp vào hệ thống phát tín hiệu để lách luật trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu Iran.
Cụ thể, cuộc điều tra của NBC News phát hiện những tàu chở dầu trên đã tắt hệ thống theo dõi tín hiệu để che giấu sự thật rằng các tàu này đã tới Iran để vận chuyển dầu xuất khẩu, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cũng theo NBC News, Iran đang xuất khẩu nhiều dầu thô hơn so với số liệu phía Mỹ đưa ra. Với việc khai thác hình thức vận chuyển qua tàu chở dầu tắt bộ phát tín hiệu để tránh bị phát hiện, Iran có thể xuất khẩu tới 600.000 thùng/ngày.
Cuối năm ngoái, Mỹ đã áp đặt trừng phạt 5 cá nhân và 6 thực thể Trung Quốc, trong đó có hai công ty con của Tập đoàn Vận tải Cosco, vì nhập khẩu dầu của Iran, động thái bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.