Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14, giai đoạn 2021-2025, đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua, các tòa án Trung Quốc sẽ nâng cấp lên thế hệ thứ tư, với sáng kiến “tòa án thông minh” vào năm 2025.
Trung Quốc đang thực hiện nhiều thay đổi nhằm giám sát các thẩm phán, hợp lý hóa các thủ tục tòa án và tăng cường uy tín của ngành tư pháp trong một tiến trình có thể đưa đến sự ra đời của hệ thống tư pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay, từ tháng 2 đến tháng 12/2020, có trên 7 triệu vụ việc pháp lý ở Trung Quốc đã được nộp trực tuyến và hơn 4 triệu vụ được phân xử trực tuyến.
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) được công bố hôm 8/3, thông qua những nỗ lực công nghệ đầy tham vọng, như sử dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi cách hệ thống tư pháp vận hành.
Những thay đổi này là một phần của sáng kiến “tòa án thông minh”, một chính sách mang dấu ấn của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, Chu Cường, nhằm tăng cường quyền lực chính trị tập trung và thắt chặt giám sát các thẩm phán.
“Tòa án thông minh” là một khái niệm khá mơ hồ, đề cập đến một loạt các biện pháp công nghệ từ thấp đến cao, bao gồm từ giúp các thủ tục giấy tờ hiệu quả hơn, công bố trực tuyến quyết định của tòa, cho đến những nỗ lực công nghệ tiên tiến hơn như phân tích thuật toán và ra quyết định có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong các phòng xử án bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ.
Theo báo cáo của SPC, các tòa án trên khắp Trung Quốc đã công bố trên 120 triệu quyết định của tòa lên hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến kể từ năm 2014 và trên 11 triệu phiên xét xử được phát online.
Cùng với việc cải thiện tính minh bạch, các tòa án ở nhiều nơi tại Trung Quốc cũng đang thử nghiệm các dự án thí điểm theo sáng kiến “tòa án thông minh”, bao gồm cả việc chấp nhận bằng chứng điện tử.
Từ tháng 2 đến tháng 12/2020, hơn 7 triệu vụ việc đã được nộp hồ sơ trực tuyến và hơn 4 triệu vụ được hòa giải trực tuyến. Trong khi đó, gần 900.000 phiên tòa được xét xử online trong cùng thời gian, tăng gấp 7 lần năm trước đó.
Từ năm 2016 đến 2020, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, các tòa án nước này đã tổng hợp 220 triệu chi tiết các vụ việc lên nền tảng dịch vụ và quản lý dữ liệu lớn, tạo ra 870 báo cáo đặc biệt bằng cách sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn – theo báo cáo của SPC.
SPC cũng cho biết, hơn 640 triệu mẩu dữ liệu đã được tải lên nền tảng chuỗi khối (blockchain) tư pháp quốc gia để lưu trữ bằng chứng tòa án và gần 2,5 triệu dữ liệu trong số đó đã được chứng nhận.
Bình luận về sáng kiến này, ông Jin Haijun, Giáo sư luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết công nghệ blockchain đặc biệt hữu ích trong việc "niêm phong" hoặc ghi lại bằng chứng kỹ thuật số, đặc biệt là đối với các trường hợp về quyền sở hữu trí tuệ.
Giáo sư Jin nói: “Trước đây, tài liệu bằng chứng trong những trường hợp như vi phạm bản quyền sẽ cần công chứng viên, vì những bằng chứng đó có thể dễ dàng bị xóa nếu nó không được ghi chép đúng cách. Điều này hoạt động tốt nhưng rất tốn kém. Giờ đây, blockchain có thể đảm nhận các chức năng của một công chứng viên trong việc ‘khóa sổ’ hoặc ghi lại bằng chứng”.
Ông Jin cho biết tòa án thông minh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của cơ quan tư pháp, ngay cả trong đại dịch COVID-19. “Các phòng xử án trực tuyến cho phép các phiên xét xử được thực hiện thông qua internet, nơi nguyên đơn có thể ở nhà trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19”, vị Giáo sư nói.