Tạp chí Outlook Weekly của hãng Xinhua cho biết số liệu do Cục Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc công bố mới đây đã bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho các trường tiểu học, trung học cơ sở, cao đẳng nghề cũng như các trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn quốc.
Cơ quan trên cũng tiết lộ trong năm 2019, đã có 2,93 tỷ cuốn sách giáo khoa được bán lẻ tại Trung Quốc với tổng giá trị xấp xỉ 26 tỷ nhân dân tệ. Điều này đồng nghĩa với việc có thể tiết kiệm được ít nhất 20 tỷ nhân dân tệ mỗi năm nếu như các tài liệu học tập trên được tái sử dụng.
Khi đó, số tiền tiết kiệm có thể trang trải chi phí cho ít nhất 40.000 trường tiểu học trong khuôn khổ Dự án Hope - một dịch vụ công của Trung Quốc giúp trẻ em ở các khu vực nghèo khó được tiếp cận giáo dục nhiều hơn.
Cho đến nay, việc tái sử dụng sách giáo khoa môn âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, máy tính và giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều thành phố ở Trung Quốc. Những đầu sách thuộc một số môn học không cần ghi chú trên lớp, được coi là thích hợp để tái chế. Tuy nhiên, chúng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số sách thực tế.
Những vấn đề nan giải như dây chuyền công nghiệp kém phát triển, cung - cầu sách giáo khoa cũ mất cân đối cũng như thiếu cơ chế hợp lý cho thị trường tiêu thụ vẫn còn tồn tại, nhất là ở giai đoạn phổ thông và đại học khi học sinh, sinh viên tự mua sách giáo khoa.
Một sinh viên vừa tốt nghiệp cho biết: “Với số tiền bán một bao tải sách giáo khoa cũ, tôi chỉ đủ tiền mua một chiếc ba lô mới”. Trong khi đó, những người khác phản ánh một cuốn sách có giá hơn 1.000 nhân dân tệ chỉ được bán lại với giá 10 nhân dân tệ cho hàng phế liệu.
Nhiều người có thể thắc mắc về cách xử lý sách giáo khoa làm giấy phế liệu. Ông Zhao Dehua, giám đốc một công ty tái chế, nói rằng phần lớn sinh viên tốt nghiệp có xu hướng bán sách giáo khoa sau khi tốt nghiệp với giá trung bình 1 nhân dân tệ/kg. Sau đó, sách cũ thường được dùng làm giấy tái chế, trong đó chi phí thực sự thậm chí còn cao hơn so với giấy làm từ bột giấy do quy trình xử lý giấy tái chế phức tạp.
Trong khi lượng lớn sách giáo khoa được thanh lý hoặc bán phế liệu, gần đây, một số nền tảng trực tuyến đang chứng kiến bùng nổ hoạt động mua bán sách giáo khoa cũ.
Ông Sun Yutian, chủ hiệu sách trực tuyến Kongfz.com bán cả sách cũ lẫn sách mới, chia sẻ với tạp chí Outlook Weekly rằng doanh số của công ty đã tăng 30% trong ba năm qua và doanh thu năm nay đã vượt mốc 14 triệu nhân dân tệ.
Trong khi đó, số liệu do “chợ đồ cũ trực tuyến” Xianyu thuộc tập đoàn Alibaba cho thấy đã có tổng cộng 1,56 triệu sách cũ được giao dịch tháng trước. Nền tảng này hiện có hơn 30 triệu người bán hàng trực tuyến và không ít người dùng ở độ tuổi thanh thiếu niên. Vào tháng 3 năm nay, lượng người dùng Xianyu từ 15 đến 18 tuổi đã tăng hơn 200%.
Bất chấp những vấn đề cản trở, các sở giáo dục, trường học cũng như các công ty liên quan ở Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh tái chế và tái sử dụng sách giáo khoa.
Thầy Zhu Pin, phó hiệu trưởng một trường học ở tỉnh Giang Tây nhận xét: “Không nghi ngờ gì về lợi ích từ việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của học sinh nhằm thiết lập một hệ thống tái chế sách giáo khoa”. Ngôi trường này đã thiết lập hệ thống tái sử dụng sách giáo khoa với sự phối hợp giữa giáo viên, thư viện và các nhà quản lý trường học. Sách giáo khoa ở đây cũng được khử trùng hàng tuần.