Đây là năm thứ ba Giải thưởng ASEAN được trao nhằm tôn vinh thành tích xuất sắc của các cá nhân hoặc tổ chức có vai trò thúc đẩy bản sắc ASEAN, tinh thần ASEAN, ủng hộ đường lối của ASEAN và có những đóng góp quan trọng trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Trong một thông cáo, Ban thư ký ASEAN cho biết Giải thưởng ASEAN 2020 đã chính thức được công bố tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan do nước Chủ tịch ASEAN là Việt Nam chủ trì. Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng ISEAS được trao Giải thưởng năm nay.
Phát biểu chúc mừng, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh: “Những hiểu biết sâu sắc và phân tích của ASC về sự phát triển và các xu hướng trong khu vực thông qua nghiên cứu, xuất bản, tham dự truyền thông và các hoạt động tiếp cận đã giúp các nhà hoạch định chính sách, học giả và các lãnh đạo doanh nghiệp trong nỗ lực xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN”.
Ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện nghiên cứu ISEAS đồng thời là Giám đốc ASC, đã bày tỏ sự cảm kích khi được nhận giải thưởng. Ông chia sẻ: “Giải thưởng là sự ghi nhận các nỗ lực chung của ASC trong quá khứ và hiện tại. Tôi tin rằng điều này sẽ tiếp thêm cảm hứng để ASC tiếp tục xây dựng các nỗ lực và sứ mệnh thúc đẩy nghiên cứu và hiểu biết về ASEAN từ góc độ khu vực”.
Giải thưởng ASEAN do Ban Thư ký ASEAN quản lý và được Quỹ Temasek của Singapore và Quỹ Yayasan Hasanah của Malaysia tài trợ. Cá nhân hoặc tổ chức đoạt giải sẽ được nhận cúp và tiền mặt trị giá 20.000 USD. Lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức riêng theo các giao thức an toàn trong hoàn cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Được thành lập vào năm 2008, ASC tiến hành các nghiên cứu và phân tích chính sách về sự phát triển của ASEAN với tư cách là một tổ chức hỗ trợ hội nhập ASEAN và xây dựng cộng đồng. Theo đuổi mục tiêu này, ASC nghiên cứu các xu hướng chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội tại các nước ASEAN thông qua một loạt chương trình nghiên cứu, ấn phẩm và sự kiện. ASC cũng cung cấp nền tảng thường xuyên cho các nhà hoạch định chính sách, học giả, trí thức khu vực công và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thảo luận về các ý tưởng mang tính xây dựng giúp định hình sự phát triển của khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết về ASEAN.
ASC là tổ chức đầu tiên trong khu vực được nhận Giải thưởng ASEAN. Năm 2018, bà Erlinda Uy Koe - một nhà lãnh đạo cộng đồng tận tụy người Philippines đấu tranh cho các gia đình có người tự kỷ - đã nhận được Giải thưởng ASEAN đầu tiên vì đã có những đóng góp vào việc thúc đẩy một cộng đồng ASEAN hòa nhập. Năm ngoái, Tiến sĩ Jemilah Mahmood - nhà lãnh đạo nhân đạo người Malaysia - đã được trao Giải thưởng ASEAN vì những cống hiến của bà trong việc cung cấp các nhu cầu khẩn cấp và ứng phó nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng trong khu vực.